Kết quả này không những khẳng định sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, mà còn là nền tảng để địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm về XDNTM, Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh Lương Văn Hùng cho biết: bước vào XDNTM, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập người dân chủ yếu từ nông nghiệp và chưa được quy hoạch thành vùng hàng hóa, nhận thức của một bộ phận người dân về XDNTM còn hạn chế... Do vậy, trước hết, xã phải làm tốt việc tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân để nâng cao nhận thức cho họ về XDNTM.
Trong đó, những nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong XDNTM phải dựa trên tinh thần người dân giữ vai trò chủ thể và là người hưởng lợi.
Xã cũng xác định mấu chốt trong XDNTM là nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cụ thể, xác định nông nghiệp vẫn là mũi nhọn trong phát triển kinh tế; đặc biệt là định hướng cho nhân dân trồng rừng, quế và hình thành vùng chăn nuôi gà, cá hàng hóa...
Qua đó, trên địa bàn xã từng bước hình thành một số mô hình kinh tế hộ như ông Trần Văn Hạnh ở thôn Hiển Dương tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Ông Hạnh chia sẻ: "Từ những tuyên truyền, định hướng của xã, gia đình tôi tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đưa cây quế vào trồng thay thế diện tích cây nguyên liệu kém hiệu quả. Mở rộng chuồng trại để nuôi gần 3.000 con gà và mỗi năm gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Từ mô hình kinh tế của ông Hạnh, phong trào phát triển kinh tế của các hộ trong thôn đã phát triển mạnh và hiện có 15 hộ chăn nuôi gà quy mô trên 1.000 con/hộ. Bà con đã liên kết thành lập tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, nhiều mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả có múi cho thu nhập cao của thôn cũng đã hình thành.
Kinh tế phát triển, người dân thôn Hiển Dương có điều kiện tốt để xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là khu nhà văn hóa thôn rộng 864 m2, hội trường rộng trên 172 m2 chủ yếu do người dân góp công, của để xây dựng.
Không chỉ Hiển Dương mà 6 thôn của xã đều thi đua phát triển kinh tế và tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM đã lan tỏa ra tất cả các thôn. Cả 6/6 thôn hiện đã có nhà văn hóa đảm bảo tiêu chí, trên 77% số hộ trong xã đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Hiện, Cường Thịnh đã thành lập được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Lần với 17 thành viên là những hộ nuôi cá, gà; phát triển được 920 ha rừng, 17 mô hình chăn nuôi gà có quy mô 1.000 - 7.000 con/lứa, đưa mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 30,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%...
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh, Lương Văn Hùng, thời gian tới, xã tiếp tục đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp với thực tế địa phương; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, làm tốt việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền từ xã đến các thôn trong tổ chức, triển khai, thực hiện các nội dung có liên quan đến XDNTM để đảm bảo tính bền vững các tiêu chí đã đạt, xây dựng xã trở thành điểm sáng về XDNTM.
Minh Huyền