Hiện nay, hệ thống giao thông, thủy lợi của xã cơ bản được kiên cố hóa đáp ứng việc đi lại, phát triển sản xuất, kinh doanh của nhân dân, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện hơn.
Trên đường cùng chúng tôi đi thăm những tuyến đường giao thông trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Đông An Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi nhanh: "Để phấn đấu hoàn thành 100% các tiêu chí NTM vào năm 2020, năm 2018, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề XDNTM và kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý XDNTM của xã; đồng thời, xây dựng chương trình hành động thực hiện, phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức phụ trách và hướng dẫn các thôn tổ chức thực hiện. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và triển khai đến các đơn vị thực hiện. Thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để đề án đi vào cuộc sống của người dân”.
Với sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự quản lý điều hành của UBND, xã đã thực hiện chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp; sự đóng góp của nhân dân thực hiện theo quy chế dân chủ.
Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã quy hoạch vùng sản xuất trồng quế và cây lâm nghiệp 1.500 ha; vùng sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa 40 ha; vùng sản xuất ngô soi bãi 50 ha; vùng sản xuất sắn cao sản 600 ha; vùng trồng cỏ nuôi bò thịt 6 ha; khu chăn nuôi tập trung 4 ha; vùng công nghiệp 34 ha.
Hiện nay, xã có 6 mô hình sản xuất với tổng vốn trên 35 tỷ đồng đem lại năng suất, thu nhập cao hơn trước như: Doanh nghiệp Tuyến Hoa; Doanh nghiệp Đông Yến; HTX Quế An; HTX Hương Quế; HTX Tiến Lý… đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động trên địa bàn với mức thu nhập ổn định từ 4 -5 triệu đồng/tháng và đóng góp cho ngân sách địa phương mỗi năm trên 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trên 20 cơ sở sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực khác như: chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch, đồ mộc mỹ nghệ.
Các mô hình làm ăn có hiệu quả khác cũng được nhân rộng như: nuôi trâu bán công nghiệp, nuôi 100 con lợn trở lên; chăn nuôi gà có quy mô từ 1.000 con trở lên, góp phần tăng thu nhập của nhân dân trong xã. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10,5%.
Ban Chỉ đạo XDNTM xã đã giao cho các thành viên trong Ban chỉ đạo xuống các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông, các công trình trường học, y tế.
Những năm qua, toàn xã có hàng trăm hộ dân hiến hàng nghìn mét vuông đất ở và đất sản xuất, cây cối, hoa màu và công trình xây dựng như tường rào, sân bê tông để mở rộng, mở mới, bê tông hóa trên 20 km đường giao thông trên địa bàn xã.
Điển hình trong thực hiện chương trình XDNTM của xã là hộ ông Trần Văn Xuyến – thôn Đức An đã thế chấp bìa đỏ của gia đình mình vay tiền ngân hàng ứng cho dân làm đường giao thông; hộ ông Nguyễn Tuấn Sửu - thôn Đức An, hiến 80 m2 đất ở; Nguyễn Văn Châu - thôn Đức An, hiến trên 210 m2 ruộng; hộ ông Trịnh Văn Lợi - thôn Đức Tiến, hiến trên 100 m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông nội thôn...
Ngoài ra, xã còn huy động nguồn xã hội hóa giáo dục tại địa phương được trên 1,5 tỷ đồng cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước 2 tỷ 850 triệu đồng để xây mới 9 phòng học, 2 nhà công vụ, công trình vệ sinh, bê tông sân trường, xây tường rào… đầu tư sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cao Chính