Giống như bao địa phương khác, bước vào thực hiện chương trình XDNTM huyện Trấn Yên gặp không ít khó khăn, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn vừa yếu vừa thiếu. Song, với sự vào cuộc tích cực, bài bản và có lộ trình của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện đã đạt được kết quả tích cực.
Kết thúc năm 2018, toàn huyện đã có 15/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bằng 71,4%, và có 04 xã đạt 14 - 16 tiêu chí là: Quy Mông, Hòa Cuông, Việt Hồng, Lương Thịnh; 02 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí là Hồng Ca và Kiên Thành.
Trấn Yên là huyện dẫn đầu trong XDNTM, huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% được công nhận đạt chuẩn NTM và huyện trở thành huyện NTM đầu tiên của cả tỉnh. Cái được lớn nhất trong XDNTM không chỉ cơ sở vật chất mà còn hướng đến một nền sản xuất an toàn và hiệu quả, nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt.
Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tuyên truyền có lớp có lang và lấy người dân làm chủ thể, do vậy người dân hiểu rõ lợi ích của XDNTM vào cuộc một cách tích cực.
Chỉ tính riêng năm 2018, người dân tham gia tích cực phong trào làm đường giao thông nông thôn, đã kiên cố hóa được 84 km đường, nâng tổng số đường giao thông được mở mới và kiên cố hóa lên 494 km (trong đó kiên cố hóa 336 km); một số các tuyến đường thôn, bản đi lại hết sức khó khăn cũng đã được kiên cố hóa và hoàn thành như: Tuyến đường Minh Quán - Hang Dơi, Tuyến đường Quy Mông - Khe Rộng xã Kiên Thành, đường trục thôn Đồng Đình xã Hồng Ca...
Đến nay 100% số thôn, bản đã có đường ô tô; 100% tuyến đường đến các trung tâm xã được nâng cấp (bê tông, nhựa); 100% đường huyện và đường xã được cứng hóa.
Hết năm 2018 có 15/21 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông. Hệ thống các công trình thủy lợi tiếp tục được nâng cấp theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 279 công trình thủy lợi, trong đó có 88 hồ chứa, 9 trạm bơm, 182 đập dâng. Toàn huyện có 358 km kênh mương; trong đó kênh xây bê tông 235 km, đạt tỷ lệ kiên cố hóa 65,6%.
Các công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho trên 2.800 ha lúa, hoa màu và nuôi trồng thủy sản trong sản xuất nông nghiệp. 100% số hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng điện, 100% số xã, số thôn có lưới điện quốc gia.
Đến hết năm 2018, toàn huyện có 21/21 xã đạt tiêu chí điện. Cơ sở vật chất văn hóa không ngừng được đầu tư xây dựng, nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng và đã có 186/190 thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, có 150/190 thôn, bản có khu thể thao thôn.
Đến hết năm 2018, toàn huyện có 15/21 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. Trong phát triển sản xuất, huyện Trấn Yên thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM đạt kết quả tích cực; đẩy mạnh phát triển sản xuất và thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và thâm canh tăng năng suất trên đơn vị diện tích.
Nhờ vậy, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 (giá so sánh 2010) đạt 1.107,6 tỷ đồng. Huyện cũng tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây trồng, giống vật nuôi thế mạnh của huyện thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm: vùng chè hiện có 904 ha; trồng mới 129 ha dâu, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 400 ha; sản lượng kén tằm 547 tấn.
Trồng mới 100 ha cây ăn quả có múi, nâng tổng diện tích cây ăn quả có múi lên 717,6 ha; sản lượng 1.020 tấn; trồng mới 523 ha tre măng Bát độ, nâng tổng diện tích tre Bát độ lên 3.000 ha; sản lượng măng Bát độ vỏ tươi đạt 45.000 tấn; trồng mới 1.000 ha quế, khai thác tiêu thụ 2.900 tấn vỏ quế. Trong chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát triển 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, tăng 146 cơ sở, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 8 ngàn tấn...
Không chỉ đơn thuần phát triển được các sản phẩm chủ lực mà Trấn Yên còn thực hiện liên kết chuỗi sản xuất hàng hóa giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thành lập mới 7 Hợp tác xã, nâng tổng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện lên 21 HTX. Bên cạnh đó, còn thành lập 12 tổ hợp tác, xây dựng 01 làng nghề chế biến chè xanh chất lượng cao tại xã Bảo Hưng.
Các HTX nông nghiệp là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện.
Bằng cách làm và hướng đi đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng lên, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo từ 14,18% thì trong năm 2018 đã giảm còn 9,3%, phấn đấu trong năm 2019 này tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,2%. Hộ nghèo giảm đồng nghĩa thu nhập người dân tăng, bình quân đã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2019 này Trấn Yên phấn đấu 6 xã (Quy Mông, Lương Thịnh, Việt Hồng, Hòa Cuông, Hồng Ca, Kiên Thành) cơ bản sẽ hoàn thành các tiêu chí XDNTM vào cuối năm 2019.
Trong đó, công nhận ít nhất 04 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó: Quý I năm 2019, công nhận xã Quy Mông đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 16 xã (bằng 76% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM), 05 xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên để đến hết Quý II/2019 đủ điều kiện để đăng ký với tỉnh và Chính phủ xây dựng huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân đồng thuận, góp công, góp của phát triển sản xuất, chắc chắn Trấn Yên sẽ hoàn thành kế hoạch.
Thanh Phúc