Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Văn Yên phấn đấu thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa 245,6 km và mở mới, mở rộng 50 km đường giao thông nông thôn (GTNT); trong đó, tập trung hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông cho 12 xã NTM. Cụ thể, toàn huyện có 12 xã trở lên được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường trục xã, liên xã; kiên cố hóa 54 km đường trục thôn đạt cấp C miền núi; 50 km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa…
Trước những yêu cầu đặt ra, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án đến đoàn viên, hội viên, nhân dân; rà soát hiện trạng giao thông, xác định nhu cầu đầu tư và tuyên truyền để nhân dân dọn dẹp, giải phóng mặt bằng tại các tuyến đường dự kiến đầu tư xây dựng; cử cán bộ xuống các thôn, bản tham gia dự họp, phổ biến tuyên truyền đến với nhân dân; tổ chức lựa chọn, giới thiệu các tổ, đội thi công có uy tín, hệ thống máy móc thiết bị bảo đảm thi công đúng tiến độ; đẩy mạnh thu hút đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn như: trái phiếu Chính phủ, WB…
Từ chủ trương đúng hướng, cách làm linh hoạt, hiệu quả, việc triển khai thực hiện Đề án GTNT trên địa bàn huyện được người dân đồng tình ủng hộ, nên trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp các xã, thị trấn.
Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, huyện Văn Yên đã kiên cố hóa 143,54 km đường GTNT; mở mới, mở rộng 40,55 km đường đất; xây dựng 271 cống các loại, 13 cầu, 8 ngầm tràn; sửa chữa 10 cầu treo, 1 cầu cứng…
Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Yên cho biết: quan điểm của huyện là tập trung phát triển đường GTNT tại các xã nằm trong lộ trình XDNTM giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, năm 2019, huyện tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đường GTNT tại các xã nằm trong lộ trình thực hiện XDNTM như: An Bình, Yên Thái, Lâm Giang…”.
Có thể thấy, nổi bật trong phong trào làm đường GTNT ở huyện Văn Yên là sự ra đời của các con đường đặc thù đến các thôn, bản vùng cao còn nhiều khó khăn.
Ông Vũ Quang Hải - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Xác định việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường là nhiệm vụ cần phải làm, huyện có chủ trương triển khai xây dựng các tuyến đường đặc thù đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn với quy mô bề rộng 1m, dày 12cm. Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. Tính riêng trong năm 2018, huyện đã thực hiện được 30,726 km đường đặc thù đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển GTNT nhưng huyện Văn Yên cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, nguồn lực huy động trong dân lớn…
Trước tình hình đó, để thực hiện kiên cố hóa 111 km, mở mới và mở rộng 10,4 km đường đất trong trong năm 2019 và 2020, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung sức làm đường GTNT.
Bên cạnh đó, lựa chọn nhà thầu cung ứng vật liệu có năng lực, bảo đảm chất lượng, cử cán bộ xuống các địa phương hướng dẫn về kỹ thuật, thủ tục pháp lý, hồ sơ.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật thi công; đồng thời, giám sát chất lượng từ khâu cung ứng vật liệu đến khâu thi công; thường xuyên báo cáo tiến độ, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Hùng Cường