Không phải xã vùng cao, vùng sâu, chỉ nằm cách trung tâm phố huyện Trấn Yên chưa đầy 8 km nhưng Quy Mông từng gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống phân tán, địa hình đi lại khó khăn, xuất phát điểm thấp, cả xã không có một mô hình kinh tế nào, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tự phát; giao thông trục xã, trục thôn và liên thôn, đường nội thôn không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, có 90% là đá cấp phối và đường đất...
Trước những thực tế đó, Đảng bộ xã xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là "cứu cánh” để Quy Mông thoát nghèo. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, để nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa trong XDNTM.
Một mặt, đa dạng hóa các nguồn vốn trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn vốn, dự án chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp; một mặt, xã kêu gọi sự đóng góp của nhân dân thực hiện theo quy chế dân chủ. Các khoản đóng góp được đưa ra bàn bạc, thống nhất theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai, dân làm, dân kiểm tra.
Xác định phát triển nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Với thế mạnh kinh tế rừng, xã vận động nhân dân trồng rừng bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao, hiện đã trồng được hơn 400 ha quế, 350 ha keo... Trong đó, quy hoạch và phát triển, hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa tại thôn Tân Việt, Thịnh Lợi; trồng dâu nuôi tằm tại thôn Thịnh Hưng, Thịnh Vượng; vùng trồng đao riềng tại thôn Thịnh Bình, Thịnh An; trồng cây ăn quả tại thôn Tân Thành, Tân Việt, Tân Cường, Tân Thịnh; mô hình VACR tại thôn Tân Thành, Tân Thịnh, Tân Việt...
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến gỗ, chế biến tinh dầu quế trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động địa phương với thu nhập ổn định, giải quyết việc làm những lúc nông nhàn.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn xã hiện có gần 100 hộ chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1.000 con, riêng thôn Tân Việt có 40 hộ. Hộ anh Phạm Văn Sang với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp vườn - rừng - chăn nuôi là một điển hình. Hiện gia đình anh có 10 ha rừng, cùng với trồng cây ăn quả có múi và nuôi gà quy mô trên 10.000 con/lứa, cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng.
Song song với đó, các tổ chức đoàn thể đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả như: Mô hình tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ hộ thoát nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 25% năm 2015, nay còn 7,6%; thu nhập của người dân nâng lên rõ rệt, nếu như năm 2018 đạt 30 triệu đồng/người thì đến tháng 3/2019 đạt 33,24 triệu đồng/người.
Không chỉ tích cực xóa đói, giảm nghèo nhân dân trong xã còn tích cực hiến đất, đóng góp công sức xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tổng nguồn lực huy động XDNTM đạt hơn 210 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 81 tỷ đồng, chiếm gần 40%, một con số không hề nhỏ ở một xã nông thôn miền núi.
Có thể nói, việc XDNTM đã mang đến cho Quy Mông một luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế sản xuất kinh doanh hiệu quả là nền tảng để Quy Mông trở thành xã phát triển toàn diện.
Ngọc Trúc