Sáng nay -3/8 tại tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020 triển khai tổng kết chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc và định hướng giai đoạn sau năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND của 14 tỉnh trong vùng và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Đây là hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới cấp vùng đầu tiên của cả nước để hướng tới tổng kết trên toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại tỉnh Nam Định.
Thay đổi trong chỉ đạo
Trong quá trình đi khảo sát các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc triển khai xây dựng nông thôn mới, thay đổi đời sống của người dân ở khu vực này gặp vô vàn khó khăn do địa hình hiểm trở, chia cắt. Tuy nhiên, "trong cái khó ló cái khôn”, nhiều địa phương đã chủ động triển khai xây dựng mô hình thôn, bản nông thôn mới, thay vì làm ở cấp xã, vốn có địa bàn trải rộng.
Vào tháng 3/2019 tại Cao Bằng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh vùng miền núi phía Bắc là cái nôi của cách mạng, đồng bào dân tộc miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, cần được Đảng, Nhà nước và nhân dân tập trung hỗ trợ, trong đó có nhiều giải pháp tổng hợp thông qua xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo Bộ NN&PTNT, qua 10 năm triển khai, công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền địa phương đã thay đổi tích cực. Trước đây chủ yếu tập trung chỉ đạo đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thì gần đây đã chuyển sang thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân (như phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, bảo vệ và cải tạo cảnh quản môi trường, bảo tồn và phát triển văn hóa, phát triển du lịch nông thôn…). Một số địa phương đã sớm chủ động phê duyệt và triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Sơn La, Hòa Bình…), Đề án triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm -OCOP (Lào Cai, Bắc Kạn, Bắc Giang…).
Lãnh đạo chủ chốt một số địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để tập trung chỉ đạo thực hiện, cũng như vận động, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang…), đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương (Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La…).
Một số địa phương đã sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản như Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên… làm cơ sở để Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số đề án xây dựng nông thôn mới vùng đặc thù, 3 tỉnh là Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn đã xác định rõ được định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn khó khăn; chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo các huyện, xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án (chương trình giảm nghèo bền vững, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới…) để giúp các xã trong vùng đề án sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc đổi mới trong công tác chỉ đạo đã tạo nên sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới của khu vực này, nhất là từ năm 2017 đến nay.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng xây dựng Đề án "Hỗ trợ xây dựng nông thôn mới thôn, bản của các xã khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi tỉnh Cao Bằng”, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2019.
Yên Bái nằm trong 7/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình từ 2011-2019 bằng khoảng 15,6% so với cả nước. Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 2,66 lần so với giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn I) và chiếm khoảng 36% tổng vốn ngân sách Trung ương của cả nước.
Đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015, mức độ tăng thấp hơn so với bình quân cả nước là 32,79%), thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, có 7/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 là Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Hiện nay, toàn vùng không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,9 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã.
Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).
Theo báo cáo của các địa phương, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên… cũng đã có đơn vị cấp huyện hiện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019.
Một số tiêu chí nổi bật là toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn. Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trong khu vực, 94,51% số thôn, bản có điện đã góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất (nhất là chủ động về tưới), sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp,…
Tuy nhiên, nếu xét riêng từng tiêu chí thì toàn vùng còn có 7/19 tiêu chí đạt thấp, dưới 50% chỉ tiêu như 41,9% đạt tiêu chí giao thông nông thôn, 44,7% xã hoàn thành tiêu chí trường học, 39,6% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 40,2% xã đạt tiêu chí thu nhập, 42,3% số xã đạt tiêu chuẩn về thoát nghèo, 34,5% xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. Tiêu chí về thu nhập cũng còn hạn chế khi chỉ đạt 51,7% số xã.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng tỷ lệ hộ nghèo của vùng còn cao nhất cả nước với 17%, trong khi hộ nghèo ở khu vực nông thôn cả nước nói chung là 8%, thu nhập bình quân chỉ đạt 28 triệu đồng/người/năm trong khi bình quân cả nước là 37 triệu. Ít doanh nghiệp đầu tư vào vùng này.
Bộ NN&PTNT tính toán trong giai đoạn 2021- 2025, có ít nhất 1 tỉnh trong vùng được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;100% các tỉnh có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 56% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80% số thôn, bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 90% số thôn, bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí thôn nông thôn mới do các địa phương quy định;thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020…
Tại hội nghị này, Ban Chỉ đạo mong muốn các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức tổng kết, nhân rộng các cách làm hay, mô hình sản xuất tốt phù hợp với vùng để đạt được các mục tiêu trên và đặc biệt, tìm cách để giảm khoảng cách phát triển giữa giữa miền núi và miền xuôi đang có biểu hiện "doãng” ra./.
(Theo Chinhphu.vn)