Chuyển động nông thôn mới ở Hòa Cuông
- Cập nhật: Thứ ba, 13/8/2019 | 10:54:33 AM
YênBái - Khi bước vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, sau 9 năm thực hiện chương trình XDNTM, xã Hòa Cuông đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Hệ thống điện, đường giao thông nông thôn ở Hòa Cuông được nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân.
|
Xác định đích đến của XDNTM là nâng cao mức sống, những năm qua, xã Hòa Cuông luôn quan tâm, ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân. Tận dụng thế mạnh của địa phương, Hòa Cuông đã chọn trồng và chế biến gỗ rừng trồng là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn.
Toàn xã hiện có hơn 1.200 ha rừng sản xuất, hàng chục cơ sở chế biến gỗ như ván bóc, xẻ, mộc dân dụng... góp phần giải quyết tốt vấn đề việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm lên trên 30 ha với gần 100 hộ nuôi tằm và năm 2018, người dân trong xã đã thu được 1,5 tỷ đồng từ bán kén tằm.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Cuông cho biết: những năm gần đây, liên kết trong sản xuất đã được người dân địa phương quan tâm chú trọng. Đến nay, xã đã thành lập 3 hợp tác xã (HTX) gồm: HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp, HTX Dâu tằm tơ và Dịch vụ nông nghiệp, HTX Quế, 14 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Các HTX và các tổ hợp tác đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và nông dân trong xã, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của xã. Nhờ đó, xã không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát; 94,6% nhà ở kiên cố đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,57%”.
Xác định việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân đóng góp tiền của, công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, người dân trong xã đã đóng góp hàng ngàn công lao động, hiến hơn 10.000 m2 đất với tổng giá trị đạt hơn 11 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng thiết yếu.
Do đó, toàn xã đã có 15 công trình thủy lợi; trong đó, có 2 công trình hồ chứa; 13 đập điều tiết và hệ thống kênh mương được kiên cố, đạt tỷ lệ trên 50%. Cả 6 thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn của xã đạt 100%. Xã có hội trường nhà văn hóa được xây dựng khang trang, 6 thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Đặc biệt, thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đến nay, 77% các tuyến đường của xã được kiên cố hóa; 100% tuyến đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa và bê tông hóa; 63% đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hóa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương và mỗi tổ chức, đoàn thể được giao phụ trách từng tuyến đường, tổ chức các đợt phát động vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ hàng tháng.
Xã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên xây dựng 1 hố rác thải để xử lý rác thải của gia đình. Nhờ đó, trên địa bàn không còn việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.
Để duy trì, giữ vững và phát triển các tiêu NTM đã đạt chuẩn, thời gian tới, xã Hòa Cuông phấn đấu đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã. Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ bê tông hóa đường trục thôn, liên thôn đạt 100%, đường ngõ xóm đạt 90%; thu nhập bình đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%.
Tags Hòa cuông Trấn Yên nông thôn mới
Các tin khác
Một số đơn vị điển hình trong việc huy động "Quỹ chung tay xây dựng nông thôn mới" như: Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, Trường Tiểu học Trần Phú, Ban Chỉ huy Quân sự huyện…
Đến hết năm 2019, toàn khu vực miền núi phía Bắc sẽ có 28% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 (26,45%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao đối với các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nghĩa An đã về đích nông thôn mới tháng 11/2017. Hàng năm, xã vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và tập trung vào các tiêu chí hoàn thành nhưng chưa thật sự bền vững.