Thực hiện xây dựng NTM, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hồ Thác Bà, giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Song, với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh, huyện, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân, đến nay, xã Cảm Ân đã đạt được 19/19 tiêu chí.
Đồng chí Hoàng Văn Đại - Chủ tịch UBND xã khẳng định: xác định "dân vận khéo” chính là chìa khóa để mở ra con đường đi đến thành công, mang đến cho người dân nhận thức đầy đủ và sâu sắc về xây dựng NTM, nên thời gian qua, xã đã làm tốt công tác này để người dân xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng NTM với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” thành quả xây dựng NTM.
Qua đó, trong 8 năm xây dựng NTM, Cảm Ân huy động được 205 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 108 tỷ đồng, hiến hơn 4.100 m2 đất, hoa màu, trên 4.000 công lao động xây dựng đường bê tông liên thôn, giao thông nội đồng, các công trình phúc lợi và xây dựng các hạng mục công trình phục vụ dân sinh...
Cùng với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được xã xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện xây dựng NTM. Xã đã chú trọng vận động, tuyên truyền người dân phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng những vùng sản xuất chuyên canh có giá trị cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, xã đã quy hoạch được 3 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng phát triển của từng vùng là vùng trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp với 27 ha cây ăn quả có múi, cho thu nhập bình quân đạt 250 triệu đồng/ha; vùng chăn nuôi hàng hóa và nuôi trồng thủy sản vùng phát triển dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,6 triệu đồng năm 2011 lên 33,6 triệu đồng năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,3%”.
Với 150 hộ dân, trước đây, Tân Lương là thôn nghèo, nhưng từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt thôn đã thay đổi đáng kể khi người dân được đi trên những con đường bê tông hóa, hai bên lề được trồng hoa, các mô hình sản xuất được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Bí thư chi bộ thôn, ông Cam Văn Vọng phấn khởi: "Từ những đổi thay rõ nét mà NTM mang lại đã giúp chúng tôi thay đổi nếp nghĩ, chuyển đổi tư duy từ phải làm NTM sang tự nguyện xin làm NTM. Người dân trong thôn đã tích cực tham gia phát triển sản xuất, phong trào văn hóa, thể dục thể thao và vệ sinh đường làng sạch đẹp... Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt nên ai cũng muốn được góp sức vào thành quả chung ấy”.
Xác định đạt được các tiêu chí NTM đã khó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để tiếp tục cùng đồng lòng, hợp sức, quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, góp phần xây dựng Cảm Ân sớm trở thành thị tứ giàu đẹp, văn minh - Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Đại cho biết thêm.
Thanh Chi