10 năm - quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ minh chứng cho một định hướng, một chủ trương mang tầm quốc gia như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2010 - 2020. NTM đã tạo luồng sinh khí mới đến với từng ngôi nhà, từng ngõ xóm và trên những cánh đồng quê. Yên Bái đã và đang ngày một nhiều thêm các xã, những vùng quê đáng sống. Ở đó, có hạ tầng nông thôn khang trang, đáp ứng cho phát triển sản xuất, không gian trong lành, thoáng đãng, giàu tính nhân văn.
Không còn lúng túng, bỡ ngỡ như lúc mới triển khai thực hiện, chương trình XDNTM nay đã được người dân từ vùng thấp, đến vùng cao hưởng ứng nhiệt tình. Chúng ta đều biết, khi bước vào XDNTM tỉnh vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn như hầu hết các xã đều có xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất thiếu và yếu kém…
Xác định XDNTM là một nhiệm vụ trọng tâm, là cuộc "cách mạng” trên mỗi xã, mỗi vùng quê nông thôn miền núi, tỉnh đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân. Nhờ vậy, chỉ riêng năm 2019, đã có thêm 22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 68/157 xã, chiếm 43,3% tổng số xã, vượt 4 xã so với mục tiêu Nghị quyết số 11 của HĐND tỉnh đến năm 2020 và đạt 106,3% kế hoạch. Bên cạnh đó, các xã còn lại đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí và đã có 2 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí, chiếm 1,3%; 25 xã đạt từ 10 -15 tiêu chí, chiếm 15,9%; 62 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí, chiếm 39,5%.
Trong đó, huyện Trấn Yên có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM và trở thành huyện NTM miền núi phía Bắc đầu tiên. Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Yên Bái nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 gồm: Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Tổng nguồn vốn huy động XDNTM giai đoạn 2011 - 2020 là trên 23.730 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 9.556,0 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 825,4 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác và Yên Bái cũng là địa phương duy nhất không có địa phương nào nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Cái khó khăn nhất đối với một tỉnh miền núi là hạ tầng nông thôn, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn, trong những năm qua, Yên Bái không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở mới với tổng chiều dài trên 7.470 km trong đó, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa là 2.289 km, chiếm 30,6%; đường cấp phối và đường đất là 5.181 km, chiếm 69,4%, xây dựng 72 cầu dân sinh.
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Cảm Ân, huyện Yên Bình.
Có thể khẳng định, từ XDNTM, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Yên Bái đã có bước tiến dài từ quán triệt chủ trương, đường lối đến thay đổi nhận thức và chuyển biến thành hành động cụ thể. Diện mạo nông thôn đổi thay, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại; môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng nâng lên; các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được gìn giữ, phát huy. Điều đặc biệt quan trọng, là đã làm thay đổi tư duy của người dân từ trong sinh hoạt đến phát triển kinh tế.
Cùng đó, nhiều mô hình kinh tế, cách làm mới, hình thức mới được phát huy, số hộ nghèo ngày một giảm, bản làng khang trang, tươi đẹp hơn. Hình ảnh ấy, được thể hiện rất rõ ở huyện Trấn Yên, với diện mạo nông thôn có sự đổi thay rõ nét; người dân ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công; môi trường sinh thái được cải thiện; đời sống nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động. Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường…
Trong đó, phải kể đến Việt Thành với những con đường phẳng phiu đáp ứng cho nhu cầu đi lại và phát triển mà hai bên đường, hoa mào gà, hoa bướm, hoa chuông vàng, hoa "NTM” khoe sắc. Xen lẫn những thửa ruộng ngô đông, dâu tằm cuối vụ bên những ngôi nhà mới xây dựng khang trang còn thơm nồng mùi vôi càng làm cho các vùng quê thêm trù phú. Người dân Việt Thành hôm nay không chỉ chăm lo đời sống gia đình mà còn chăm chút cho diện mạo nông thôn, chung sức xây dựng làng quê giàu, đẹp hơn.
Chị Lê Thị Phương ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành đang hái dâu phấn khởi cho hay: "Việt Thành đã và đang trở thành một vùng quê đáng sống! Kinh tế - xã hội phát triển lắm, đường sá được đầu tư xây dựng phẳng phiu, hai bên đường được trồng các loại hoa đẹp ngất ngây. Đời sống người dân nâng lên rõ rệt, nhất là từ khi phát triển trồng dâu, nuôi tằm mỗi năm đem về cho người dân nhiều tỷ đồng. Kinh tế phát triển, nhân dân có điều kiện đóng góp XDNTM và giờ là XDNTM kiểu mẫu”. Kết quả XDNTM đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Nhờ chuyển đổi cây trồng vật nuôi đúng hướng nên kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Trấn Yên đã tạo bước đột phá rõ nét trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế cao như: vùng tre măng Bát độ gần 3.500 ha; vùng quế 16.000 ha; chè chất lượng cao 200 ha; vùng trồng dâu 700 ha; vùng trồng cây ăn quả có múi 750 ha, 592 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được củng cố và phát triển theo hướng tổ, nhóm, hợp tác xã kiểu mới liên kết trong sản xuất nông nghiệp và các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 34 triệu đồng/ người.
Những vùng nông thôn như Việt Thành đến xã vùng cao Kiên Thành, Hồng Ca đã và đang khoác trên mình tấm áo mới với những đổi thay rõ nét. NTM không chỉ mới những cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là đã xây dựng được những nông dân mới, suy nghĩ mới, cách làm mới, tầm nhìn mới và lối sống mới.
Thanh Phúc