Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, Việt Thành gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi.
Song, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, Đảng bộ xã Việt Thành đã lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII đạt được những kết quả toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần người dân nâng lên rõ rệt.
Cái được lớn nhất, rõ nét nhất chính là làm thay đổi tư duy từ sản xuất tự cung, tự cấp sang hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị. Quy hoạch và xây dựng thành 3 vùng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng (vùng trồng dâu; vùng trồng cây quế; vùng trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi gia cầm). Xã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây lúa là cơ bản sang trồng dâu nuôi tằm trên 53 ha. Giờ đây, trồng dâu, nuôi tằm được phát triển mạnh với diện tích gần 160 ha và thực sự trở thành ngành nghề sản xuất hàng hóa chủ lực của địa phương.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, sản lượng kén tằm đạt 286 tấn, giá trị 28 tỷ đồng, tăng hơn 18 tỷ đồng so với năm 2015. Không chỉ có vậy, người dân còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thay thế hoàn toàn nuôi tằm theo hình thức truyền thống. Song song với cây dâu, xã trồng mới, trồng thay thế 225 ha quế, nâng tổng diện tích quế lên 522 ha và trồng mới 60 ha cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Sản xuất lâm nghiệp được chú trọng, quản lý, khai thác có hiệu quả 776 ha rừng hiện có. Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, trong đó phát triển 12 cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô tập trung. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt 440 tấn, trong đó gia cầm 290 tấn, tăng 200 tấn so với năm 2015...
Kinh tế phát triển, xã quan tâm đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn cơ sở. Trong 5 năm, đã kiên cố hóa được 17 km đường liên thôn, ngõ xóm, đường nội đồng, tạo ra mạng lưới giao thông đi lại thuận lợi; đầu tư xây dựng mới 4 trạm biến áp, nâng cấp đường dây trung áp, hạ áp.
Trạm Y tế, trường học đều được đầu tư nâng cấp, xây dựng. Nhà văn hóa và sân thể thao được đầu tư xây dựng mới tại khu trung tâm. Đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của xã đã từng bước được đầu tư khang trang, đồng bộ, 100% tuyến đường liên thôn được bê tông hóa.
Dâu tằm là một trong những hướng phát triển kinh tế mạnh của Việt Thành trong xây dựng nông thôn mới.
Phát huy kết quả đạt được, tại Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng sẽ đề ra một số mục tiêu, trong lĩnh vực kinh tế, quyết tâm xây dựng Việt Thành đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của xã; 100% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... Việt Thành sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ, hiệu quả. Mấu chốt là tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi giá trị theo hướng toàn diện, bền vững, có chất lượng, an toàn và hiệu quả trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của ba vùng kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất như: sản phẩm kén tằm, quế hữu cơ, gia cầm, thủy sản, nấm linh chi, chuối sấy dẻo...
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến nông lâm sản và dịch vụ. Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm có thế mạnh của xã, xây dựng thương hiệu sản phẩm như: gà lai chọi, bưởi da xanh, quế sạch... Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm.
Mục tiêu đã rõ, giải pháp phù hợp cùng với sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã, chắc chắn Việt Thành sẽ trở thành một xã vững mạnh toàn diện và là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của Yên Bái.
Ngọc Trúc