Trong hơn 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Mù Cang Chải huy động được trên 1.400 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện, huyện có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 3 xã đạt 11 tiêu chí, 3 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 3 xã đạt 8 tiêu chí, 1 xã đạt 7 tiêu chí.
Dù vậy, nhìn tổng thể, các xã vẫn còn nhiều tiêu chí đạt thấp như: giao thông 1/13 xã; điện 5/13 xã; thu nhập 1/13 xã; hộ nghèo 1/13 xã; giáo dục và đào tạo 2/13 xã; môi trường và an toàn thực phẩm 1/13 xã...
Bên cạnh đó, quá trình XDNTM ở Mù Cang Chải cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại như: công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn vẫn còn chậm; nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về XDNTM còn hạn chế, còn tư tưởng thụ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước; hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội còn nghèo nàn, diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều chia cắt, độ dốc lớn, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ bê tông hóa thấp; quy mô sản xuất tại các xã còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chưa cao; sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp còn phổ biến...
Khắc phục những khó khăn trên, với quyết tâm đến năm 2025, các xã trên địa bàn đạt 15 tiêu chí NTM trở lên; trong đó, mỗi xã có ít nhất 2 bản đạt tiêu chí bản NTM, xã Nậm Khắt đạt xã NTM nâng cao, xã Dế Xu Phình, Púng Luông đạt chuẩn NTM, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch XDNTM năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, xác định rõ những tiêu chí đã đạt, những nội dung còn thiếu, cụ thể các nguồn lực cần huy động và giao rõ nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành phụ trách. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về XDNTM; kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân cùng chung sức XDNTM; lồng ghép, tận dụng tối đa các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để xây dựng hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế...
Theo đó, đối với tiêu chí về giao thông, huyện huy động các nguồn lực và nhân dân đến năm 2025 kiên cố ít nhất 300 km đường giao thông nông thôn, 70% số hộ có đường bê tông vào nhà.
Ông Giàng A Su - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: "Trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn vốn, huyện sẽ đầu tư xây dựng theo thứ tự ưu tiên các tuyến đường giao thông chính, đường kết nối đến các điểm du lịch như: đường vành đai xã Púng Luông; đường nối Mù Cang Chải với tuyến IC15 - Gia Hội; đường Cao Phạ - Nậm Có; đường La Pán Tẩn - Chế Cu Nha - Mồ Dề - Khao Mang - Hồ Bốn. Bên cạnh đó, huyện tăng cường triển khai bê tông hóa các tuyến đường đặc thù dẫn vào các khu vực sản xuất, ngõ xóm, đồi nương của nhân dân”.
Hoặc đối với tiêu chí về môi trường, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, tập tục lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; xây dựng, sử dụng nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước hợp vệ sinh; quy hoạch xây dựng mới các điểm thu gom, tập kết và xử lý rác thải, chất thải tại các xã đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải có chuồng trại và thực hiện thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, huyện đẩy mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chế biến và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ông Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình cho biết: "Để nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tiêu chí trong XDNTM, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tận dụng các chính sách hỗ trợ để kích cầu, phát triển sản xuất cho các hộ dân. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản sau thu hoạch cho nông dân và vận động nhân dân chỉnh trang nhà cửa làm du lịch cộng đồng, nhà nghỉ homestay, phục vụ ăn uống cho khách du lịch để tăng thu nhập của người dân”.
Theo ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mù Cang Chải, trước mắt, huyện tiếp tục mở rộng, duy trì ổn định diện tích cây sơn tra, thảo quả và các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương.
Đồng thời, huyện tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, phát triển sản phẩm OCOP nhằm hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất.
Về lâu dài, huyện đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp tham gia chế biến trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để nâng cao giá trị, thu nhập ổn định của người dân, tạo đòn bẩy XDNTM.
Hùng Cường