Cùng với đó, thành lập các tổ công tác rà soát hiện trạng giao thông, xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng và vận động nhân dân dọn dẹp, giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường. Bên cạnh sự tham gia đóng góp công sức của người dân, huyện còn tranh thủ các nguồn vốn, lồng ghép các nguồn vốn để làm giao thông.
Bên cạnh đó, huyện giới thiệu các tổ, đội, doanh nghiệp thi công có uy tín, tiềm lực tài chính, máy móc hiện đại đảm bảo thi công chất lượng công trình… với sự giám sát chặt chẽ của cả chính người dân.
Từ những chủ trương đúng, cách làm linh hoạt, hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án GTNT trên địa bàn huyện được người dân đồng tình ủng hộ, đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp các xã, thị trấn. Qua đó, nhiều tuyến đường được mở mới, mở rộng và kiên cố hóa, công tác duy tu, sửa chữa được thường xuyên, tạo nên diện mạo mới ở huyện nông thôn mới.
Đến nay, 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và 100% từ trung tâm các xã đến các thôn, bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền.
Hết năm 2020, Trấn Yên kiên cố hóa 625,5 km/817 km đường giao thông. Trong đó, đường xã 63,2 km đạt 100%; đường trục thôn, xóm và đường liên thôn xóm 297/368 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 80,8%; đường ngõ xóm 247/386 km, cứng hóa đạt 64%; đường nội đồng 17,9/46,8 km, cứng hóa đạt 38,2%. Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn huyện đã kiên cố hóa được trên 316 km đường GTNT với tổng mức đầu tư trên 438 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 56 tỷ đồng.
Thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh trước đây 100% là đường đất, đường mòn, ngày nắng thì bụi, ngày mưa lầy lội, hơn 200 hộ dân sản xuất ra hàng hóa nhưng không mang đi tiêu thụ được. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hiện nay, 100% đường trong thôn đã được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa.
Nhờ đó, kinh tế trong thôn phát triển mạnh, đời sống nhân dân nâng lên đạt 32 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm dưới 1%. Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện phấn đấu đến năm 2025 kiên cố hóa 250 km, bình quân mỗi năm thực hiện 50 km đường GTNT với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Theo đó, các xã trên địa bàn thuộc xã vùng II được hỗ trợ xi măng, địa phương huy động nhân dân đóng góp cát, sỏi, vật liệu phụ, máy thi công, nhân công, hiến đất, tự giải phóng mặt bằng. Tổng số km phải kiên cố hóa giai đoạn 2021-2025 là 250 km (đường loại 2, bề mặt rộng 3 m), tổng kinh phí dự kiến trên 157 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 53,55 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác. Năm 2021 này, theo kế hoạch là kiên cố hóa 50 km đường GTNT.
Tuy gặp không ít khó khăn vì thời tiết, dịch bệnh Covid-19, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc trong huyện đã khắc phục khó khăn, đóng góp công sức làm GTNT. Đến hết tháng 9/2021, toàn huyện đã kiên cố hóa 41 km/50 km kế hoạch, đạt 82% kế hoạch năm.
Trong đó, có 34,24 km/50 km, bằng 68,4% kế hoạch theo Đề án GTNT; 22,16 km thực hiện bằng lồng ghép từ ngân sách huyện áp dụng theo cơ chế hỗ trợ của Đề án GTNT. Dự kiến hết năm 2021 toàn huyện kiên cố hóa 55,97 km, đạt 112% kế hoạch và đạt 22,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, mở mới, mở rộng 5,86 km đường dự kiến hết năm đạt 8,24 km. Đặc biệt, nhân dân đóng góp cho thực hiện đề án đạt trên 16 tỷ đồng, công tác giải phóng mặt bằng được người dân đồng tình ủng hộ, hiến hàng trăm mét vuông đất, cây cối hoa màu.
Đường giao thông thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là tiền đề để các xã xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở.
Thanh Phúc