Mù Cang Chải nỗ lực xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2022 | 1:51:11 PM

YênBái - Là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Mù Cang Chải gặp rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị và người dân, đến nay, huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hội viên nông dân huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đồng chí Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM luôn được cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên đã tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ưu tiên tập trung nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí. 

Cùng đó, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, góp phần từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về XDNTM; động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia XDNTM bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: đóng góp nguồn lực để kiên cố đường giao thông, giúp nhau xóa nhà tạm, nhà dột nát, tích cực thi đua phát triển kinh tế...

Thực hiện XDNTM, năm 2021, huyện đã huy động tổng nguồn lực 547 tỷ 887,3 triệu đồng; trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương 1.022,5 triệu đồng; từ ngân sách địa phương 165.109,8 triệu đồng; vốn tín dụng 365.103 triệu đồng; nguồn huy động trong nhân dân ước đạt 16.652 triệu đồng. 

Từ các nguồn vốn đầu tư, huyện đã thực hiện kiên cố bê tông 67,18 km đường đặc thù; mở mới 14 km đường giao thông; kiên cố 11,5 km đường tiêu chuẩn. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các xã tiến hành nạo vét hơn 3.600 m3 đất, bùn, đảm bảo nước tưới cho sản xuất; phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh khảo sát xây dựng 1 công trình điện tại xã Nậm Khắt và đã bàn giao đưa vào sử dụng. 

Hiện, 77/93 bản ở Mù Cang Chải đã có điện với tổng số 9.755/11.638 hộ được sử dụng điện, chiếm 83,8%. 

Về cơ sở vật chất văn hóa, năm 2021, huyện đã đầu tư xây mới 2 nhà văn hóa cộng đồng ở xã Púng Luông và Dế Xu Phình; đồng thời, tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nhà văn hóa xã đã có.

Đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, huyện còn đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 11/13 trạm y tế của huyện đã đạt chuẩn y tế mức độ 1; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99%. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, đầu tư trang thiết bị và kiện toàn tổ chức, bộ máy phục vụ tốt khám chữa bệnh cho người dân. Công tác giáo dục và đào tạo luôn coi là nhiệm vụ "quốc sách hàng đầu” nên huyện luôn chú trọng đầu tư phát triển. 

Hiện, 13/13 xã đã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ; tỷ lệ tốt nghiệp THCS trung bình toàn huyện đạt 63%. Các trường học đều đảm bảo các điều kiện phục vụ giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho học sinh. 

Thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực vệ sinh dọn dẹp nhà cửa, nuôi nhốt gia súc, gia cầm xa nơi ở.  Đặc biệt, huyện tiến hành quy hoạch xong nghĩa trang, nghĩa địa tại các xã và đã vận động được nhân dân tại các bản điểm XDNTM tiến hành mai táng người chết vào khu nghĩa trang, nghĩa địa của bản và thực hiện nghi thức tang lễ theo quy ước, hương ước. 13/13 xã đã đầu tư xây các bể chứa thu gom rác thải với tổng số 85 bể; 97% hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình XDNTM, Mù Cang Chải còn gặp nhiều khó khăn do nguồn thu ngân sách địa phương hạn chế; địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung nên khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như: giao thông, điện, thủy lợi; nhận thức của một bộ phận người dân về phát triển kinh tế cũng như XDNTM vẫn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại; công tác xã hội hóa thu hút vốn đầu tư XDNTM còn gặp nhiều khó khăn…

Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nâng cao vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân XDNTM. 

Cùng đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện XDNTM sẽ tiếp tục hướng vào những xã, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; khen thưởng, động viên kịp thời những nhân tố tích cực trong XDNTM; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ mình là chủ thể XDNTM; công khai minh bạch trong quá trình XDNTM, đặc biệt là trong đầu tư cơ sở hạ tầng…                                                               
Hồng Oanh

Tags Mù Cang Chải ruộng bậc thang đèo Khau Phạ nông thôn mới đồng bào dân tộc thiểu số

Các tin khác
Tuyến đường liên xã Liễu Đô - Vĩnh Lạc - Minh Tiến (Lục Yên) được nâng cấp giúp các địa phương trên tuyến nâng cao chất lượng tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.

Theo bộ tiêu chí mới về nông thôn mới (NTM) cấp xã giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có 89/150 xã hoàn thành 19 tiêu chí, đạt 59,33%.

Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hồng Tiến, xã Y Can (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng dâu, nuôi tằm đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Y Can, huyện Trấn Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Minh Bảo tham gia trồng cây xanh, tạo cảnh quan dọc tuyến đường thôn Trực Bình.

Người dân thôn Trực Bình, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái đã đoàn kết, cùng chung sức xây dựng mô hình Khu dân cư “Xanh - Hạnh phúc” để tạo điểm nhấn và “nâng chất” các tiêu chí NTM, đảm bảo cuộc sống của người dân ngày càng phồn thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trồng rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân (ND) trồng và mở rộng diện tích rừng gắn với xây dựng tín chỉ carbon, góp phần mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục