19/9: Cổ phiếu ồ ạt tăng mạnh, VN-Index lên sát 950 điểm
- Cập nhật: Thứ tư, 19/9/2007 | 12:00:00 AM
Cùng với nhiều tín hiệu tốt trong nước và việc TTCK thế giới hồi phục mạnh trong phiên vừa qua, cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn chứng khoán TP.HCM đồng loạt tăng mạnh, kéo chỉ số VN-Index lên sát 950 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 19/9, chỉ số VN-Index tăng 11,05 điểm (tương đương tăng 1,18%) lên 946,22 điểm.
|
Không còn ì ạch tăng điểm như trong 5 phiên giao dịch trước đó, sáng 19/9, đa số cổ phiếu trên sàn TP.HCM bao gồm rất nhiều blue-chips tăng giá mạnh mẽ. Đặc biệt, khối lượng giao dịch tăng vọt lên gần 7,5 triệu đơn vị, một phần nhờ sự có mặt của cổ phiếu mới Vincom.
Các cổ phiếu tăng giá ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch với mức tăng khá cao. Tuy nhiên, càng về cuối phiên giao dịch, số lượng cổ phiếu tăng giá và mức tăng điểm của chỉ số VN-Index càng lớn.
Các cổ phiếu blue-chips có thêm 1 phiên khởi sắc. Trong khi đó, cổ đông của các cổ phiếu vừa và nhỏ cùng có một ngày thật vui khi cổ phiếu mình nắm giữ quay đầu tăng giá sau nhiều phiên trầm lắng, giá xuống.
Niềm vui lớn nhất có lẽ thuộc về cổ đông của đại gia bất động sản Vincom khi cổ phiếu này chào sàn sáng nay ở mức giá 125.000 đồng (cao hơn so với giá dự kiến là 119.000 đồng/cp - điều mà ít cổ phiếu chào sàn gần đây có được). Đặc biệt, khối lượng giao dịch của cổ phiếu này khá lớn, đạt hơn 300.000 đơn vị.
Mặc dầu có các nhà đầu tư vẫn bị ám ảnh bởi các thông tin không tốt lành đến từ thị trường thế giới như: giá dầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, giá vàng tiếp tục tăng nhưng việc lần đầu tiên Cục dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất trong 4 năm qua, và theo đó là cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ trong phiên vừa qua tăng trên 2%/ngày dường như đã khích lệ tinh thần của các nhà đầu tư nói chung.
Trái ngược hoàn toàn với nhiều phiên giao dịch trước đó, số lượng cổ phiếu tăng giá đã áp đảo thị trường.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng 19/9, chỉ số VN-Index tăng 11,05 điểm (tương đương tăng 1,18%) lên 946,22 điểm.
Như vậy, chỉ số VN-Index đã tiếp tục đứng vững trên ngưỡng 900 điểm phiên thứ 18 liên tiếp.
Trong số 115 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM (thêm 1 cổ phiếu lên sàn hôm nay là Vincom), có 71 mã cổ phiếu tăng giá, 17 mã giảm giá và 27 đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng nhẹ 100 đồng lên 11.000 đồng/ccq, còn VF1 tăng 600 đồng lên 30.700 đồng/ccq.
Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt 7,47 triệu đơn vị, trị giá 641 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt 6,46 triệu đơn vị), tất cả đều cao hơn phiên giao dịch trước.
Tiếp tục giống đợt 1 và đợt 2, rất nhiều cổ phiếu blue-chips tăng giá.
Đại gia STB (Ngân hàng Sacombank) tiếp tục duy trì được mức tăng 2.500 đồng lên 61.500 đồng. Hôm qua, cổ phiếu này cũng đã tăng rất mạnh. Đại gia REE tăng 4.000 đồng (đợt 1 tăng 2.000 đồng).
Các cổ phiếu lớn tăng giá khác bao gồm: HRC tăng 3.000 đồng; SAM, SJS, VSH tăng 2.000 đồng; IFS chuyển từ giảm 600 đồng trong đợt 1 sang tăng 1.100 đồng khi kết thúc phiên giao dịch; FPT, PVD, TDH tăng 1.000 đồng - cả 3 cổ phiếu này đều đứng và giảm giá vào đầu phiên giao dịch.
Các cổ phiếu lớn đứng giá bao gồm: BMP, DHG, GMD, ITA, KDC, NKD, PPC, VNM.
Trong số các cổ phiếu lớn, chỉ có IMP giảm giá 3.000 đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm giá là do cổ phiếu đại gia ngành dược này hôm nay giao dịch không hưởng quyền phát hành thêm 2 triệu cổ phần.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ có mức tăng mạnh, góp phần đưa chỉ số VN-Index tăng tốc, bao gồm: TCT tăng 14.000 đồng; SFI tăng 9.000 đồng; SGH tăng 5.000 đồng; TTP tăng 5.000 đồng; UNI tăng 4.500 đồng lên mức giá cao kỷ lục mới là 97.500 đồng (cổ phiếu này liên tục lập kỷ lục cao mới trong nhiều phiên gần đây); DMC tăng 4.000 đồng; HAP tăng 3.000 đồng (cổ phiếu này vừa điều chỉnh giá từ 90.000 đồng xuống 66.000 đồng trong phiên giao dịch ngày 18/9 do phát hành thêm cổ phiếu).
Kết thúc phiên giao dịch, lượng dư mua cao hơn rất nhiều so với dư bán.
Cụ thể, tổng khối lượng dư mua ở 3 mức giá cao nhất của tất cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khi kết thúc phiên giao dịch là 2,46 triệu đơn vị. Trong khi đó, dư bán ở 3 mức giá thấp nhất đạt 1,38 triệu đơn vị.
Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, TTCK tăng mạnh một phần nhờ các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tốt của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn trong 3 quý đầu năm. Kết quả này sẽ được công bố trong khoảng vài tuần nữa. Bên cạnh đó, việc các cổ phiếu hàng đầu đang có xu hướng tăng trở lại có thể sẽ kéo chỉ số chung đi lên.
Đặc biệt, gần đây các tổ chức đầu tư tài chính nước ngoài lớn đang ngày càng quan tâm tới TTCK, với biểu hiện là số lượng các quỹ đang tăng dần. Gần đây, họ đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu trong và ngoài sàn với giá cao như Bảo Việt và Bảo Minh. Điều này đang giúp các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào thị trường.
Mặc dù các cổ phiếu đang tăng giá rất mạnh nhưng theo đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán nói trên, việc giá dầu và vàng thế giới đang tiếp tục tăng cao có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến giá cổ phiếu nói chung.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Trái với phiên giao dịch cuối tuần, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, số mã giảm giá chiếm áp đảo với 50 mã. Chung cuộc chỉ số Vn-Index vẫn tăng thêm 4,28 điểm, đóng cửa ở mức 934,74 điểm. Chỉ số Hastc-Index tăng thêm 2,33 điểm.
Từng “làm mưa làm gió” trên thị trường OTC, cổ phiếu (CP) các ngân hàng thương mại cổ phần giờ đây đang bước vào một giai đoạn xuống giá nhất từ trước đến nay. So với thời đỉnh cao đầu năm 2007, CP ngân hàng đã giảm giá tới 70% trên thị trường OTC.
Những dự đoán lạc quan về thị trường được các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước công bố; các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mở rộng đầu tư; các doanh nghiệp niêm yết đạt kết quả kinh doanh tốt... thế nhưng, xu thế chủ đạo của thị trường vẫn là sụt giảm.
Trong khoảng một tháng trở lại đây, việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLK) tính nhầm "room" cho nhà ĐTNN đối với các mã cổ phiếu STB, ABT và ITA khiến không ít nhà đầu tư lo ngại, liệu những thao tác khác có nhầm lẫn gây ra thiệt hại cho nhà đầu tư? Ở một khía cạnh khác, lượng cầu ngoại tăng vọt khi room được nới rộng hơn cho thấy sức hấp dẫn từ những cổ phiếu hết room.