Bánh cuốn trứ danh đất Hà thành

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/3/2014 | 9:30:40 AM

Miếng bánh trắng mềm cùng nước chấm đẹp mắt hòa quyện với nhau tạo thành cảm giác thật dễ chịu, cứ khiến người ta muốn ăn mãi không thôi.

Tấm bánh dân dã, thơm thảo của làng quê.
Tấm bánh dân dã, thơm thảo của làng quê.

Nhắc tới bánh cuốn, nhiều người thường nghĩ ngay tới bánh cuốn Thanh Trì, địa danh đã trở thành thương hiệu cho những ai muốn tìm thử món bánh trứ danh đất Hà thành này. Thế nhưng ít ai biết rằng, từ Thanh Trì chỉ cần đi dọc theo sông Hồng chừng 7 km nữa là có thể tới thăm một làng quê bình yên, trù phú và cũng nổi tiếng không kém với món bánh cuốn thơm ngon này, làng Thiết Trụ.

Không ai biết bánh cuốn Thiết Trụ ra đời khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra, món bánh này đã có mặt trong những phiên chợ quê của làng. Có người nói món bánh cuốn được học từ đất Thanh Trì nổi tiếng, nhưng cũng có người nói bánh được một người lớn tuổi trong làng tìm tòi mà ra.

Bánh cuốn Thiết Trụ, thoạt nhìn cách làm cũng chẳng khác với bánh cuốn Thanh Trì là bao. Gạo cũng phải chọn loại gạo tẻ thơm, không quá dẻo cũng không quá khô để bánh khi tráng lên không bị dính và không được mềm. Gạo mua về sẽ được ngâm trong nước khoảng vài tiếng đồng hồ cho nở rồi mới đem xay thành thứ bột lỏng có màu trắng đục. Bánh khi làm sẽ được tráng lên miếng vải trắng, phủ trên nồi nước nóng, lúc nào cũng sôi, xung quanh có viền bằng tre cho chắc chắn.

Bánh cuốn Thiết Trụ không được tráng thành hình tròn như bánh cuốn Thanh Trì mà tráng thành hình bầu dục. Bột sau khi được láng đều trên vải thì đậy vung chừng 2 phút là bánh chín. Bánh lúc này sẽ được người thợ khéo léo lấy ra bằng một que tre hay ống tròn, đặt lên chiếc rổ úp ngược sạch sẽ. Cứ thế hết lớp bánh này đến lớp bánh khác xếp chồng lên nhau, chỉ chờ khách tới mới đem ra cuốn lại.

Bánh cuốn Thiết Trụ chỉ có duy nhất một loại nhân thịt và không được gấp lại như bánh cuốn Thanh Trì. Bánh có phần nhân ở giữa được cuốn lại hệt như chiếc ống. Nhân bánh thường làm từ thịt xay, hành khô và nấm hương đã xào chín cùng một chút hạt tiêu cho dậy mùi. Khách đến ăn, người bán mới bắt đầu cuốn bánh. Nhân thịt đựng trong chiếc bát lớn được xúc thành từng thìa nhỏ, trải đều và cắt ngang chiếc lá bánh rồi cuốn lại. Bánh cuốn rồi hệt như thỏi kẹo dài được đặt ngay ngắn trên lớp lá chuối xanh mướt.

Tùy vào sở thích và khả năng mà khách sẽ gọi số lượng khác nhau để người bán lấy bánh cắt thành những khúc nhỏ đặt trên đĩa. Nước chấm và đồ ăn kèm cũng là một điểm khiến bánh cuốn Thiết Trụ trở nên khác biệt với bánh cuốn Thanh Trì. Bánh cuốn Thiết Trụ thường không có đồ ăn kèm như chả giò hay đậu rán mà chỉ được ăn cùng nước chấm. Nước chấm ở đây cũng được pha chế không quá cầu kỳ, chỉ là nước mắm giấm với những lát ớt đỏ tươi cho thêm phần đẹp mắt nhưng lại được cho thêm chút nhân bánh vào trong. Món nước chấm vì thế cũng trở nên đặc biệt và khác lạ.

Bánh cuốn có thể ăn nóng hay lạnh tùy vào sở thích hay thời tiết. Đĩa bánh trắng khiết với lớp nhân vàng đẹp mắt ở giữa cùng bát nước chấm sóng sánh, đẹp mắt chỉ nhìn thôi đã thấy thích thú. Lớp nhân ngầy ngậy của mỡ hành, vỏ bánh mềm dẻo quyện vào nhau, chấm cùng thứ nước chấm thanh khiết, vừa phải ấy cứ muốn ăn mãi không thôi. Khách đến chơi nhà được mời đĩa bánh cuốn quê, dù khó tính đến mấy cũng phải gật đầu tấm tắc khen ngon.

Ăn bánh cuốn Thiết Trụ một lần rồi là nhớ mãi cái dư vị của nó. Dù chẳng nổi danh bằng người anh em của nó nhưng bánh cuốn Thiết Trụ vẫn tồn tại, để cùng đồng hành với bánh cuốn Thanh Trì, giữ lại một nét ẩm thực thật khác lạ của Việt Nam.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Du khách thập phương đến lễ hội đền Nhược Sơn.
(Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Những ngày đầu xuân này, tôi đã chọn cho mình chuyến đi lễ chùa dọc theo gần 120km sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Yên Bái bằng thuyền máy cùng các cụ bà - những người cả đời chưa bao giờ biết đến các phương tiện đi lễ hội khác.

Tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền cùng tiếng cười nói của người mua kẻ bán đã tạo nên cảnh sầm uất của chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.

Bánh uôi là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Bánh có rất nhiều tên gọi khá hay, ý nghĩa và mĩ miều khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết... Theo người dân nơi đây, bánh uôi chính là niềm tự hào của người Mường, là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực của một miền sơn cước.

Đĩa mắm ong rừng và các loại rau ghém ăn kèm.

Biết tôi thích khám phá ẩm thực, nhân chuyến về Cà Mau thăm quê, bạn tặng cho một hũ mắm ong rừng. Cầm món quà, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú vì từ trước tới nay chỉ biết mật ong rừng nổi tiếng ở địa phương này còn mắm ong rừng thì đúng là quá xa lạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục