Tết Lào vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2014 | 2:05:58 PM
Người Lào gọi Tết của mình là Bun Pi May (Lễ hội năm mới) hay Pi May (năm mới). Tết Lào còn có tên khác rất ý nghĩa là “Bun Hốt Nậm” (Lễ hội té nước), vì hoạt động té nước diễn ra khắp nơi trong các ngày Tết và đây chính là hồn cốt của tết Lào.
|
Tết Lào thường diễn ra giữa tháng tư dương lịch hằng năm, có năm bắt đầu từ ngày 13 như năm 2012, có năm bắt đầu từ ngày 14 như năm 2013 và năm 2014 này – năm Phật lịch 2557.
Trong ba ngày Tết Lào, nơi công cộng, phố xá, chùa chiền là nơi thu hút đông đảo người dân thủ đô và khách du lịch tắm Phật, “té nước” và nhảy múa nhất.
Anh bạn người Lào cho biết: “Tết năm nay khác so với những Tết trước. Đó là người dân Lào, nhất là công chức, lực lượng vũ trang hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước: Tết vui tươi, lành mạnh mà tiết kiệm. Anh chú ý sẽ thấy, hai ngày nay, có rất ít xe công đi lại trên đường phố vì Chính phủ khuyến nghị không sử dụng xe công vào mục đích cá nhân trong dịp Tết này. Phố xá vẫn đông vui nhưng có lẽ bia Lào “chảy” ít hơn so với các năm trước. Tôi cho đó là một xu hướng tiến bộ …”.
Tôi bắt tay anh đồng cảm. Và theo tục lệ, trước khi khách về, chủ nhà té nước cho khách để chúc phúc. Đó là niềm hạnh phúc của cả hai bên.
Người Lào tin rằng nước sẽ làm trôi đi điều xấu, bệnh tật và đem lại sự tươi mát, sức khỏe và hạnh phúc cho mọi loài. Nước không chỉ để tắm Phật, đổ vào người mà còn được tạt vào cây cối, vật dụng thờ cúng, công cụ sản xuất… Nước té bao gồm nước sạch, hoa và nhành hoa, có thể là đoọc khuôn (muồng hoàng yến ở Việt Nam), hay hoa cúc và nhất là nghệ và nước thơm. Bạn tôi giải thích thêm: “Trong nước té cho khách phải có nghệ và nước thơm, thể hiện sự trọng thị của chủ nhà đối với khách”. Và như thế, chúng tôi - kể cả một cháu còn rất nhỏ - được mọi người trong nhà và bạn bè dự tiệc tưới nước từ cổ trở xuống một cách cẩn trọng và thân thiện. Và chúng tôi cũng tưới nước đáp lễ mọi người trong bầu không khí thật chan hòa, ấm áp.
Thăm nhà một người bạn Lào khác, chúng tôi được hiểu thêm đôi điều về Tết Lào. Là người nghiên cứu và khá am tường văn hóa Lào, anh cho biết: “Theo truyền thống và phong tục người Lào, nhất là người dân thủ đô, cây đoọc khuôn đóng vai trò quan trọng trong việc tiến hành các nghi thức trong Lễ hội năm mới. Cây đoọc khuôn nở hoa vàng rực vào đúng vảo dịp tết Lào. Người Lào lấy nhành đoọc khuôn có lá và hoa nhúng nước để tắm Phật, vẩy lên người để cầu mong cho họ được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, giàu có trong năm mới. Khách đến thăm vào dịp Tết luôn được chủ nhà tưới nước có hoa đoọc khuôn”.
Và trước Tết, vào sáng ngày làm việc cuối cùng của năm cũ, chúng tôi vinh dự được các đồng chí ở Báo Pa-xa-xôn mời dự lễ chào mừng năm mới tại trụ sở báo. Vinh dự, vì một đồng chí trong Ban Biên tập cho biết, năm nay chúng tôi hưởng ứng chủ trương ăn Tết tiết kiệm của Chính phủ, nên làm gọn nhẹ trong nội bộ, không mời ai. Lễ diễn ra trang nghiêm, nhất là ở nghi thức chúc phúc và buộc chỉ cổ tay. Mọi người buộc chỉ vào cổ tay cho nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất trong bầu không khí vui tươi.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Những con hàu sữa béo múp, mang hương vị đậm đà của biển được kết hợp với pho mai béo ngậy cho vào lò nướng sẽ là một món ăn hấp dẫn để bạn và gia đình thay đổi khẩu vị.
Lễ Bỏ mả hiện vẫn được thực hành và trao truyền trong cộng đồng người Raglai ở các huyện miền núi thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Nói đến Huế không thể không nói đến văn hóa ẩm thực ở nơi đây. Món ăn Huế luôn thể hiện đậm nét giá trị văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, nghệ thuật và có hương vị rất riêng.
Liên hoan Ẩm thực quốc tế-Huế 2014 diễn ra từ ngày 14 đến 19/4, có quy mô 70 gian hàng của 7 nước gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc.