Mê hoặc Festival Huế

  • Cập nhật: Chủ nhật, 20/4/2014 | 7:37:06 AM

Festival Huế - nơi giao thoa và phô sắc văn hóa Việt Nam với tinh hoa văn hóa 5 châu lục sẽ khép lại trong đêm bế mạc tối nay (20-4) tại sân khấu công viên cầu Gia Hội. Một mùa festival đặc sắc và mới lạ không chỉ dừng lại trong mắt người dân Huế, mà ngay cả những nghệ sĩ từng nhiều lần tham dự các kỳ festival quốc tế cũng trầm trồ thán phục.

Không gian nghệ thuật ngoạn mục

Sau những đêm ngập tràn “bữa tiệc” nghệ thuật ở các sân khấu Đại nội và cung An Định, chúng tôi bước ra các trục đường chính của TP Huế lập tức bị cuốn hút ngay vào không khí lễ hội tràn trề sức sống. Ở đó có 20 đoàn nghệ thuật đang cùng nhau mê hoặc khán giả qua các tiết mục biểu diễn tại lễ hội đường phố. Đó là những “Di sản và sắc màu văn hóa” của các nước Đông Á - Mỹ Latinh hay sân chơi của trẻ thơ với những đôi chân bé nhỏ tung tăng trên sân khấu sắc màu tuổi thơ. Những cựu nữ sinh Đồng Khánh trang phục áo dài tha thướt hát nhạc Trịnh thuở ấy và bây giờ trong căn nhà lục giác soi rọi xuống dòng sông Hương thơ mộng hay cảnh các học sinh, sinh viên kiên nhẫn chờ đến lượt mặc thử Kimono… Sự nhập cuộc hết sức hào hứng của công chúng, nhất là người dân Huế làm cho Festival Huế thật sự tràn ngập màu sắc âm thanh. Đây là một kỳ vọng được nhắc đến rất nhiều ở các kỳ festival trước và nay hiển thị một cách rõ nét sinh động.

Một điểm nhấn mới lạ, một không gian nghệ thuật ngoạn mục tại Festival Huế lần này là chương trình sắp đặt lửa của Đoàn nghệ thuật Carabosse (Pháp) trên cầu Trường Tiền - cây cầu vừa tròn 115 năm tuổi - đã thu hút hàng vạn du khách và người dân ngóng chờ. Ánh sáng hơn 4.000 ngọn nến như nhảy múa soi bóng xuống dòng sông Hương thơ mộng rồi phản chiếu lên cầu Trường Tiền, làm tăng nét quyến rũ, lãng mạn. Nghệ sĩ Jean Marie Proust, Trưởng đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse, chia sẻ: “Đến với Festival Huế lần này chúng tôi chọn một địa điểm khác ở Huế để làm chương trình sắp đặt lửa thật mới lạ. Cầu Trường Tiền là địa điểm tuyệt vời để thực hiện ý tưởng này. Qua đó, thể hiện khát khao sáng tạo một loại hình nghệ thuật quảng đại, vượt qua ngôn ngữ và dễ dàng đến được với mọi tầng lớp khán giả, đêm biểu diễn chúng tôi có làm thay đổi một chút về thói quen của người Huế và du khách đến Huế. Họ không đi xe cộ mà phải tản bộ, khi họ đi qua cầu sẽ có cái nhìn mới lạ về cây cầu khi được thắp sáng bằng lửa…”.

Từ cầu Trường Tiền rảo bộ về đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu khi TP Huế về đêm lại càng trở nên thú vị hơn với những nhân tượng (tượng người) do các sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế trình diễn. Đặc biệt, hoạt động nhân tượng tại Festival Huế lần này không chỉ có tượng nhân vật Việt Nam mà có nhiều nhân vật của các nước trên thế giới nhằm thể hiện sự giao lưu giữa các nền văn hóa thông qua các hình tượng nhân vật. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh nhà trường đến công chúng và khách du lịch; tạo sân chơi hoạt động nghệ thuật cho sinh viên và giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật” - họa sĩ Phan Lê Chung, người phụ trách chương trình này chia sẻ.

Đặc sắc, mới lạ

Nhắc đến Huế giờ đây, người ta không chỉ nhớ đến sông Hương, núi Ngự, lăng tẩm, chùa chiền... mà ở đó đến hẹn hai năm một lần lại diễn ra festival để tôn vinh sắc màu dân tộc từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, từng nhiều năm gắn bó với Festival Huế chia sẻ: Di sản văn hóa Huế làm nền tảng cho Festival Huế hình thành và phát triển, ngược lại festival tạo riêng cho Huế những người chuyên tổ chức sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế này. Những bỡ ngỡ, vừa làm vừa học thuở ban đầu trong festival lần đầu tiên năm 2000 (với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp) bây giờ không còn nữa. Huế tự tin, chính mình tổ chức lễ hội tầm cỡ luôn luôn mới để thu hút du khách và quảng bá văn hóa Việt Nam. Cái mới ở đây không có nghĩa làm mới hoàn toàn mà Festival Huế phải giữ cốt cách riêng trên nền tảng văn hóa truyền thống của vùng đất cố đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự mới lạ và hấp dẫn ấy đã thôi thúc các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước cảm thấy vinh dự khi được tham gia sự kiện văn hóa đặc thù này. Trong đó, một đặc điểm mà không festival nào trên thế giới có, là sự thu hút, sự liên kết tổ chức bằng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, giao lưu và quảng bá văn hóa như tại Festival Huế. Các đoàn nghệ thuật quốc tế khi đến Huế biểu diễn đều được sự tài trợ của chính phủ hoặc các tổ chức kinh tế xã hội ở đất nước họ từ vé máy bay, chi phí luyện tập xây dựng chương trình theo yêu cầu chủ đề của ban tổ chức cho đến chi phí bồi dưỡng cho các nghệ sĩ. Ban tổ chức chỉ chi phí ăn ở và điều kiện biểu diễn, đi lại tại Huế.

Ở Festival Huế không có hiện tượng các “sao” hét giá như các hoạt động biểu diễn hay lễ hội khác. Các doanh nghiệp đồng hành với Festival Huế với ý thức góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ chỗ chưa đầy 3 tỷ đồng cho kỳ festival đầu tiên, đến Festival Huế 2014 ban tổ chức đã nhận được hơn 20 tỷ đồng tài trợ. Festival Huế là một sự thành công trên con đường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Chính sự hợp tác này đã là một yếu tố đòi hỏi chúng ta phải tự nâng cao tầm nhìn, sự hiểu biết, các kiến thức và kỹ năng tổ chức sự kiện văn hóa của mình.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Cầu Trường Tiền rực sáng trong đêm 18-4.

Tối 18-4, cầu Trường Tiền bắc ngang sông Hương (TP Huế) trở nên "bùng cháy", lung linh huyền ảo bởi nghệ thuật sắp đặt lửa và ánh sáng của những nghệ sĩ đến từ nước Pháp.

Ngày 18-4, UBND huyện Duy Tiên đã tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống chùa Long Đọi Sơn và công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia với bia Sùng Thiện Diên Linh.

Khách du lịch tại Đà Lạt.

Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, cán bộ công chức, viên chức sẽ được nghỉ 5 ngày liên tục, từ ngày 30-4 đến 4-5. Dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến dịp nghỉ lễ nhưng tại các công ty lữ hành, tình hình đăng ký tour khá nhộn nhịp, không ít tour đã khóa sổ. Trước nhu cầu tăng đột biến của khách, liệu giá tour có tăng theo?

Người Lào gọi Tết của mình là Bun Pi May (Lễ hội năm mới) hay Pi May (năm mới). Tết Lào còn có tên khác rất ý nghĩa là “Bun Hốt Nậm” (Lễ hội té nước), vì hoạt động té nước diễn ra khắp nơi trong các ngày Tết và đây chính là hồn cốt của tết Lào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục