10 món ngon Nam Bộ sẵn có ở Hà Thành
- Cập nhật: Thứ năm, 8/5/2014 | 8:19:02 AM
Không nhất thiết phải đến Sài Gòn hay các tỉnh ở Nam Bộ bạn mới có thể thưởng thức bánh xèo, lẩu cá kèo hay hủ tiếu bởi hiện nay các món ngon này đã có mặt tại nhiều nơi trên đất Hà Thành.
|
Mang đậm hương vị phương Nam và pha chút biến tấu để hợp với khẩu vị người dùng, các món ngon sau đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người Hà Nội.
1. Bún bò Nam Bộ
Bún bò Nam Bộ là một trong những món trộn rất được yêu thích ở Hà Nội. Thay vì chan nước dùng như các món bún khác, bún bò Nam Bộ sử dụng mắm chua ngọt để quyện đều các nguyện liệu gồm bún, thăn bò xào, lạc, giá đỗ, hành khô và rau thơm. Do đó, bún không nóng hổi mà nguội, rất dễ ăn khi hè đến. Nếu muốn thưởng thức món ngon Nam Bộ này, bạn có thể tìm đến phố Hàng Điếu, Thái Phiên, Trần Quốc Toản...
2. Bánh xèo
Là món ăn chơi giống bánh gối, bánh bột lọc nhưng khi ăn bánh xèo, người ta dễ dàng cảm nhận hương vị tổng hòa của các nguyên liệu. Đó là lớp vỏ ngoài vàng ươm, giòn rụm, không ngấm mỡ, nhân bánh rau thịt đậm đà, chấm cùng nước mắm chua cay. Bánh xèo bán ở nhiều nơi, đặc biệt gần khu trường học như Tôn Đức Thắng, Tạ Quang Bửu, Thái Hà... để học sinh, sinh viên lót dạ lúc tan trường.
Bánh xèo vàng ươm, giòn rụm. |
3. Cơm tấm
Tuy được nấu từ gạo tấm (hạt gạo bị vỡ) nhưng khi ăn kèm với sườn nướng, bì, chả, trứng, cùng chút nước sốt mắm chua ngọt, cơm tấm lại trở thành đặc sản không thể chối từ. Là món tủ của một số quán hàng gần các công sở trên đường Kim Mã, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Huy Liệu... cơm tấm là lựa chọn của nhiều thực khách văn phòng vào giờ ăn trưa nhờ giá cả phù hợp lại lạ miệng và no bụng.
4. Lẩu mắm
Nghe có vẻ không hấp dẫn nhưng hương thơm nức mũi và cách chế biến độc đáo của lẩu mắm rất đáng để bạn phải thử một lần. Nước dùng của lẩu không phải ninh từ xương như nhiều loại khác mà dùng ngay thứ mắm ngon nổi tiếng được chế biến từ cá linh, cá sặc. Nhờ vậy, nước lẩu rất đậm đà, dậy mùi kết hợp với sả ớt thơm cay, bắt mắt. Ăn kèm lẩu mắm là các loại rau theo mùa nên thanh mát, dễ ăn ngay cả trong mùa nóng. Bạn có thể ghé phố Văn Cao, Linh Lang để thưởng thức một nồi lẩu mắm đúng chất Nam Bộ.
5. Lẩu cá kèo
Là món ngon nổi tiếng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhưng nổi lẩu cá kéo nóng hổi lại rất phù hợp với tiết trời lạnh ở miền Bắc. Cá kèo nhỏ bằng ngón tay, da nhớt nhưng thịt ngọt, mềm, nước dùng có vị chua chua của lá giang, rất dễ ăn. Tùy mỗi quán và theo mùa, rau dùng với lẩu cá kèo có sự thay đổi, chủ yếu là rau đắng và hoa chuối, ngoài ra có cả rau rút. Các quán trên phố Văn Cao, Láng Hạ, Vũ Thạnh, Tăng Bạt Hổ là nơi bạn có thể thưởng thức món ăn dân dã này.
6. Hủ tiếu
Bạn có thể gọi hủ tiếu khô (trộn) hoặc nước khi ăn tại các quán ở Hà Nội. Ngoài sợi mì trắng, tùy theo từng quán mà nguyên liệu ăn kèm có sự khác nhau, chủ yếu gồm hoành thánh chiên, sủi cảo, thịt quay... So với hủ tiếu ở Nam Bộ, hủ tiếu Hà Thành đơn giản và ít món hơn, đồng thời cũng có những thay đổi để phù hợp với khẩu vị của người dùng. Hiện hủ tiếu khá phổ biến ở Hà Nội nhưng được biết đến nhiều nhất là quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hàng Bồ, Mai Hắc Đế, Hàng Điếu...
Hủ tiếu khô Hàng Bồ. |
7. Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn rất được học sinh, sinh viên Sài Gòn yêu thích và nhanh chóng chiếm được cảm tình của các giới trẻ Hà Thành khi có mặt tại đây. Chỉ đơn giản là bánh tráng cắt nhỏ với thịt bò khô, xoài thái sợi, trứng chim cút, hành phi và phồng tôm... đôi chỗ còn có cả mực, nhưng khi trộn cùng nhau như nộm ở miền Bắc rất dễ ăn và dễ nghiện. Ở Hà Nội hiện có khá nhiều quán bánh tráng trộn, một số có thể kể đến như các quán nằm trên phố Hoàng Cầm, Chân Cầm, Lý Quốc Sư, Hàng Tre, Hàng Trống...
8. Phá lẩu
Là món ăn chơi phổ biến ở Sài Gòn nhưng phá lẩu lại khá xa lạ với nhiều người Hà Nội. Không ít người tò mò và tìm ăn thử phá lẩu chỉ bởi cái tên vừa quen, vừa lạ ấy. Tuy nhiên, khi đã thưởng thức một lần ai nấy đều bị cuốn hút bởi vị thơm ngon, màu vàng sánh của nước phá lẩu ninh từ bộ lòng của bò gồm gan, xách, dạ dày, lá lách cùng nước dừa béo ngậy. Cũng như món bò sốt vang, phá lẩu ăn kèm với bánh mì, dưa góp, rất thích hợp trong ngày mát trời. Khu tập thể Trung Tự, Đống Đa là nơi bạn có thể tìm thấy món ăn lạ miệng này.
9. Ốc Sài Gòn
Được chế biến theo kiểu xào dừa, sốt me, chiên mắm, chiên bơ, hấp dấm… những món ốc Sài Gòn đã mang đến một làn gió mới cho ẩm thực Hà Thành. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp trong các quán ốc mang hương vị Nam Bộ thực đơn nhiều món như ốc len xào dừa, ốc điếu xào bơ tỏi, ốc mỡ sốt me, ốc hương chiên mắm... với vị đậm đà thấm vào thịt ốc. Nếu là người chưa sành ốc Sài Gòn thì xin gợi ý cho bạn một số địa chỉ để thưởng thức: ốc Xã Đàn, Gia Ngư, Đội Cấn...
10. Cút lộn xào me
Cút lộn xào me. |
Thường có mặt tại các quán ốc Sài Gòn nhưng với vị chua ngọt hấp dẫn của me quyện cùng vị béo ngậy đặc trưng của trứng, cút lộn xào me luôn là món được gọi trước tiên. So với cút lộn luộc chấm mắm quen thuộc ở miền Bắc, cút lộn xào me đậm đà và đưa miệng hơn. Khi ăn, người ta có thể cảm nhận đủ vị cay, chua, mặn, ngọt và bùi thơm của lạc với hành phi. Địa chỉ quen thuộc vẫn là các quán hải sản Sài Gòn trên đường Hoàng Quốc Việt hay Gia Ngư.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Sáng 7-5, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Lê Thanh Tịnh cho biết, các nhà thám hiểm hang động vừa khảo sát và ghi nhận thêm 39 hang động, với chiều dài 17 km ở Phong Nha - Kẻ Bàng.
Không chỉ là nhân vật quan trọng, rắn còn là niềm tự hào ở một thị trấn nhỏ tại Ý với lễ kỷ niệm tháng 5 và những con rắn uốn lượn diễu hành trong đám đông trong sự tôn kính.
Vị cay nồng xé lưỡi của ớt, hòa với vị thơm nồng của cà ri, thêm một ít vị béo ngậy của thịt dê cắt miếng vừa phải tạo thành món ngon độc đáo nức tiếng Sài Gòn.
Sáng 5/5, tại Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng, Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng cùng Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt và khai Hội Gióng năm 2014.