Phát triển du lịch: Cần chiến lược dài hơi

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/8/2014 | 2:49:18 PM

YBĐT - Những năm qua, Yên Bái đã quan tâm và khai thác kinh tế du lịch với hướng đi riêng của mình. Yên Bái đã và đang là điểm đến của nhiều du khách. Doanh thu từ du lịch đã đóng góp một phần không nhỏ vào kinh tế địa phương. Từ một tỉnh không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, đến nay Yên Bái đã phát triển khá mạnh mẽ, từ du lịch tâm linh đến du lịch danh thắng cũng như du lịch cộng đồng, văn hóa lễ hội với 64 điểm du lịch.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải một danh thắng quốc gia, điểm đến khó quên với du khách.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải một danh thắng quốc gia, điểm đến khó quên với du khách.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch Yên Bái cho biết: "Cái được lớn nhất của du lịch Yên Bái trong những năm qua là đã biết khơi dậy và khai thác có hiệu quả các di tích, danh lam, thắng cảnh của địa phương. Tỉnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm và cũng xác định được sản phẩm du lịch chính là danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh...".

Các điểm du lịch đã từng bước tạo ra sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng, tạo nguồn thu, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Quan trọng hơn, người dân đã nhận thức rõ về hiệu quả của du lịch. Năm 2010, Yên Bái thu hút trên 300.000 lượt khách; năm 2013, tăng lên 405.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 20.000 lượt). Các cơ sở lưu trú cũng phát triển mạnh từ 18 cơ sở năm 2002 đến nay tăng lên 124 cơ sở với tổng số trên 3.000 giường.

Đặc biệt, đã có 94 cơ sở được xếp hạng từ 1 đến 3 sao. Doanh thu từ phát triển du lịch cũng tăng đáng kể, từ 126 tỷ đồng năm 2010 lên 172 tỷ đồng đến năm 2013. Quan trọng hơn, Yên Bái đã là một điểm đến thú vị và ấn tượng cho các du khách, nhất là lượng khách du lịch tâm linh và khách du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái. So với các địa phương khác, hiệu quả mà du lịch Yên Bái đem lại chưa phải cao nhưng với một tỉnh miền núi thì đó là thành quả đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và xét ở góc độ kinh tế - du lịch Yên Bái vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Các nhà kinh tế du lịch tính toán rằng, mỗi một du khu du lịch hạng trung, mỗi một du khách sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 2 - 3 lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp. Kinh tế du lịch là một ngành mang lại lợi nhuận cao nhưng đầu tư cho du lịch cũng rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn chậm. Đó có lẽ cũng là lý do khiến Yên Bái có ít doanh nghiệp, cá nhân đầu tư một cách bài bản vào lĩnh vực này.

Hạn chế của du lịch Yên Bái là mới chỉ có sản phẩm du lịch, còn dịch vụ phục vụ du lịch rất thiếu và yếu. Đó cũng là lý do tại sao mỗi năm chúng ta thu hút lượng lớn du khách nhưng giá trị kinh tế mang lại thấp. Năm 2013, với 405.000 lượt khách nhưng doanh thu chỉ đạt 172 tỷ đồng, bình quân mỗi lượt khách chỉ chi 424.000 đồng. Một con số quá ít ỏi đối với mỗi khách du lịch. Với số chi tiêu này chỉ đủ chi tiền phòng ngủ và một bữa ăn trong ngày.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thắng thẳng thắn thừa nhận: "Yên Bái có nhiều điểm du lịch nhưng đó mới là sản phẩm du lịch mà thôi. Còn lại hàng loạt các giá trị du lịch kèm theo như: dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng vừa thiếu, vừa yếu. Đó cũng là lý do chính doanh thu từ du lịch còn thấp". Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác du lịch còn nhiều bất cập. Điểm du lịch đã có nhưng Yên Bái không có khu du lịch đúng nghĩa nên lượng khách đến khá lớn nhưng lại chưa thu được phí. Chưa quản lý, khai thác tốt nên tái đầu tư cho du lịch hạn chế cũng là điều dễ hiểu.

Để du lịch Yên Bái phát triển và thực sự trở thành ngành kinh tế chủ lực đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi từ quy hoạch tổng thể đến chi tiết, thực hiện quy hoạch, huy động mọi nguồn lực đầu tư vào du lịch. Điểm mấu chốt là nên phát triển tập trung vào một số điểm du lịch chính, quan trọng. Bên cạnh đó, cần chú trọng tới nguồn nhân lực và bảo tồn văn hóa, giá trị văn hóa có trọng tâm để níu giữ du khách. Du lịch tâm linh cũng vậy, làm sao phải tạo được những tour, tuyến khép kín và môi trường lành mạnh…

Thanh Phúc

Các tin khác

Là một trong những món ăn đường phố được nhiều du khách đến với Việt Nam thưởng thức, bánh mỳ của Việt Nam được xếp vào danh sách những loại bánh mỳ ngon nổi tiếng trên thế giới.

Một trong những món ăn có kết hợp với cây cỏ dại của nhà hàng Mads Refslund.

Nhặt nhạnh cây cỏ dại để ăn tại các công viên thành phố New York hiện đang trở thành một thú vui mới. Thậm chí, ngày càng có nhiều các cửa hàng ăn tại New York hiện đang tận dụng triệt để nhu cầu này để làm vừa lòng các thực khách.

Hoành tráng, ấn tượng về quy mô; phong phú, sâu sắc với nhiều hoạt động phần lễ, sôi động ở phần hội… đến hẹn lại lên, Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc tiếp tục là một trong những lễ hội quy mô tầm cỡ nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Sử dụng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại nhằm kiểm soát dịch bệnh ở sân bay Nội Bài.

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh do virus Ebola, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch trong hoạt động du lịch nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho du khách và nhân lực của ngành du lịch, tránh lây lan dịch ra cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục