Bảo tồn văn hóa tộc người để phát triển du lịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2014 | 2:44:43 PM

YBĐT - Nhận thức rõ đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch - dịch vụ nên từ khi tái lập thị xã vào năm 1995, đặc biệt từ năm 2003 thị xã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện, thị khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Du khách nước ngoài rất hài lòng với điều kiện ăn nghỉ và được giao lưu với đồng bào địa phương theo hình thức du lịch cộng đồng mà nghĩa Lộ đang phát triển.
Du khách nước ngoài rất hài lòng với điều kiện ăn nghỉ và được giao lưu với đồng bào địa phương theo hình thức du lịch cộng đồng mà nghĩa Lộ đang phát triển.

Thị xã Nghĩa Lộ có gần 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Thái chiếm 48,3%, Mường 4,8%, Tày 4,55%, còn lại là một số dân tộc khác; có 3 xã đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Thị xã còn nằm giữa cánh đồng Mường Lò là vựa lúa lớn thứ hai vùng Tây Bắc; có Di tích lịch sử văn hóa Căng - Đồn Nghĩa Lộ cùng những di tích gắn liền với Chiến dịch giải phóng Tây Bắc 1952 mở đường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng; gần kề với các điểm giàu tiềm giàu tiềm năng du lịch thuộc địa bàn huyện Văn Chấn; nằm trên trục giao thông huyết mạch từ Hà Nội qua Phú Thọ lên Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đến Lai Châu và khu du lịch Sa Pa (Lào Cai). Điểm đặc biệt nữa là vùng Mường Lò còn được người Thái cho rằng là vùng đất tổ của họ khi thiên di từ phương Bắc về đây. Do đó, người Thái cùng với người Tày, Mường đã tạo nên những đặc trưng văn hóa tộc người rất đậm nét, độc đáo...

Nhận thức rõ đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển du lịch - dịch vụ nên từ khi tái lập thị xã vào năm 1995, đặc biệt từ năm 2003 thị xã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện, thị khu vực miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và năm 2013 thị xã tiếp tục được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ giai đoạn 2013 - 2020 thì việc bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ở Nghĩa Lộ càng được đặc biệt quan tâm.

Việc bảo tồn văn hóa trước mắt được tập trung vào gìn giữ không gian cư trú, kiến trúc nhà ở của mỗi tộc người. Vốn là yếu tố nhận diện mỗi tộc người. Bên trong mỗi căn nhà sàn lại chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống như văn hóa bố trí nơi ăn nghỉ theo thứ bậc các thành viên trong nhà và nơi nghỉ của khách; cách cất trữ, bảo quản lương thực, thực phẩm; không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; các khu vực bài trí đồ vật tín ngưỡng liên quan đến bếp lửa, thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng hộ mệnh cho các thành viên trong gia đình...

Do đó, thị xã đã vận động bà con đồng bào Thái, Tày, Mường... dựa trên điều kiện thực tế là bà con cơ bản vẫn đang ở nhà sàn cố gắng gìn giữ loại hình kiến trúc này để tiến tới khai thác du lịch cộng đồng. Cùng đó, thị xã cũng đã bước đầu quy hoạch các khu, cụm đồng nhất về kiến trúc nhà sàn, tôn tạo cảnh quan mang đặc thù làng bản miền núi, xây dựng đường đi lối lại thuận tiện, sạch sẽ để đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Cùng với bảo tồn kiến trúc nhà ở, nhiều loại hình văn hóa dân gian cũng được bảo tồn như nghề truyền thống của đồng bào Thái, Mường, tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm, nghề làm chăn đệm bông lau, đệm ngồi, đan lát vật dụng, chế tác nhạc cụ dân tộc. Đây là những sản phẩm vừa phục vụ trực tiếp cho hoạt động du lịch tại chỗ, cũng là những sản phẩm hàng hóa để khách có thể mua về dùng hay làm quà lưu niệm.

Ẩm thực dân tộc là một thế mạnh của đồng bào các dân tộc ở Nghĩa Lộ với các món cá nướng, cá mọc, cá nấu chua, thịt nướng, thịt sấy, thịt ướp chua, thịt gà, thịt vịt hấp, nướng, nấu măng chua, rau xôi, rêu đá, xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng đen và đồ uống là rượu nếp chưng cất, rượu nếp cái gạo cẩm, rượu ngâm thảo dược, nước lá thuốc. Nam giới và phụ nữ đều giỏi nấu ăn. Đàn ông có thế mạnh chế biến các món thịt, cá, đồ uống. Phụ nữ mạnh về chế biến các loại xôi nếp ngũ sắc, cơm lam, các đồ ăn từ rau quả. Để đưa những tiềm năng ẩm thực này thành thế mạnh, trong những năm qua, thị xã đã chú trọng động viên những người giỏi nấu ăn truyền dạy kinh nghiệm cho lớp trẻ; tổ chức phối hợp nghiên cứu, đúc kết các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc; tổ chức thi nấu ăn, hội chợ ẩm thực và Nghĩa Lộ đã lập kỷ lục Việt Nam về mâm xôi ngũ sắc lớn nhất với trên 1.000kg gạo nếp.

Hệ thống lễ hội và các loại hình văn nghệ dân gian được coi là thành công lớn nhất trong việc bảo tồn văn hóa của thị xã Nghĩa Lộ trong những năm qua. Cho đến nay, hàng loạt các lễ hội đã được khôi phục, bảo tồn như: lễ hội Xên (cúng) bản, Xên mường, xên đông (cúng rừng), hội hạn khuống, lễ hội rằm tháng Giêng, tết xíp xí, lễ hội hoa ban, lễ mừng cơm mới, nhà mới, lễ hội lồng tồng, lễ cầu mưa, tục cúng vía người, vía trâu, tục tằng cẩu, tục hơ lửa trong nghi lễ đám cưới của người Thái...

Các loại hình dân ca như hát giao duyên, hát đối đáp, hát xin dâu... đều đã được chú ý sưu tầm qua lớp người cao tuổi, qua thư tịch Thái cổ để truyền dạy cho lớp trẻ. Dân vũ Thái nổi tiếng với điệu xòe cổ đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống thường nhật và các dịp lễ hội của Mường Lò. Vừa qua, Nghĩa Lộ tiếp tục lập kỷ lục Việt Nam với màn đại xòe cổ với 2.013 người tham gia tại Lễ công bố Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ 2013 - 2020, năm 2013 vừa qua.

Bảo tồn văn hóa và đẩy mạnh quảng bá, từng bước khai thác du lịch cộng đồng đã tạo ra những hiệu quả kinh tế rất khả quan. Từ chỗ thị xã không có hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng, đến nay đã có hơn 30 hộ kinh doanh loại hình du lịch này. Điển hình như gia đình bà Hoàng Thị Phượng, dân tộc Mường; ông Lường Văn Mộc, dân tộc Thái ở xã Nghĩa An; bà Lường Thị Hồng Chung, dân tộc Thái, xã Nghĩa Lợi mỗi năm đón bình quân mỗi hộ từ 500 khách du lịch trở lên ăn nghỉ tại nhà sau khi đi thăm thú cảnh quan Mường Lò. Khách du lịch hầu hết được kết nối với các công ty du lịch lữ hành trong nước và chủ yếu là khách nước ngoài.

Được biết, du khách trong và ngoài nước đều khá hài lòng với dịch vụ ăn nghỉ trong các làng bản của đồng bào dân tộc. Ngoài ra, họ rất hứng thú khi tiếp cận, thưởng thức, tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân gian các dân tộc ở Mường Lò trước khi tiếp tục hành trình du lịch vùng Tây Bắc hoặc xuôi về Hà Nội. Đây là cơ hội tốt để thị xã miền Tây tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa và khai thác tốt tiềm năng du lịch trong tương lai.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Tối 13/9, tại huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã diễn ra lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt khu di tích lịch sử nhà Trần.

Ngày 12/9, trong buổi họp báo khởi công dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong năm 2015, Quảng Ninh sẽ hoàn thiện tuyến cáp treo “xuyên” vịnh Hạ Long.

Trang web nổi tiếng Mother Nature vừa giới thiệu 30 điểm đến đẹp nhất thế giới, trong đó ruộng bậc thang Sa Pa của Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách. Theo trang Mother Nature, khu vực Đông Nam Á có nhiều thắng cảnh đẹp, một trong số đó phải kể đến ruộng bậc thang Sa Pa của Việt Nam.

Sở VHTTDL Lào Cai thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản hồi của du khách.

Tình trạng đeo bám, chèo kéo, bắt chẹt khách du lịch đang diễn ra ở một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt là tại thị trấn du lịch Sa Pa làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Lào Cai, gây tâm lý khó chịu cho du khách khi đi du lịch ở Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục