Đình Chèm - Ngôi đình cổ nhất Việt Nam
- Cập nhật: Chủ nhật, 26/10/2014 | 6:30:18 AM
Theo lời kể của dân làng Chèm, xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội, Đình Chèm có niên đại cách đây hơn 2.000 năm.
|
Hàng ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn ngự sát bên bờ sông Hồng nặng phù sa. Những mái cong của ngôi đình được phủ lên một lớp rêu phong cổ kính.
Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây 3 gian, 4 mái và 5 cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.
Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII). Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ vợ chồng Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm và các tượng chầu. Tổng thể được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.
Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; 4 bia đá, 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm bia thời Nguyễn; 2 chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, 8 bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.
Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm. Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị thành Hoàng Làng và tình thân hữu giữa 3 làng, hàng năm cứ vào từ ngày 14-16/5 âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày hội chính, người làng lại mở hội linh đình.
Hội Chèm diễn ra trang trọng với cuộc rước nước, rước mã, rước văn, lễ mộc dục (tắm tượng thánh), lễ phát tấu (cúng Phật). Những người mặc y phục cổ truyền sau khi tập kết trước cửa đình hành hương xuống ba chiếc thuyền lớn xuôi theo sông Hồng tới Thác Bạc cạnh đền Âm hồn, rồi quay lại trước cửa đình. Trong ngõ, bên đường, cạnh đê, dân làng bày mâm cúng, hương trầm tỏa thơm. Nhà sư làm lễ phát tấu, diễn xướng kể lại công đức của Lý Ông Trọng và cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng.
Với người dân Việt, Đình Chèm không chỉ là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính nhất còn sót lại mà nó còn mang trong mình sự tích về một vị tướng tài, đức có công dẹp giặc cứu nước để ngàn năm sau, con cháu vẫn lưu lưu danh tên tuổi của ông.
(Theo VTV)
Các tin khác
Sáng 23/10, hàng ngàn đồng bào Chăm và du khách thập phương đã tham dự lễ hội Katê Bình Thuận tổ chức tại tháp thiêng Pô Sha Inư.
Ngày 23/10, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã cho phép Tập đoàn Sun Group khảo sát để xây dựng tuyến cáp treo đưa du khách tham quan hang động Sơn Đoòng trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Các khu vực đã được thành lập mạng lưới bảo tồn gồm Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.