Đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch
- Cập nhật: Thứ năm, 6/11/2014 | 9:53:00 AM
YBĐT - Những năm gần đây, các tỉnh trong vùng Tây Bắc đã đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng độc đáo, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Chương trình “Du lịch về cội nguồn” đã mở ra hướng phát triển cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.
|
Năm 2006, 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã liên kết xây dựng Chương trình “Du lịch về cội nguồn”, khai thác và phát huy các thế mạnh về du lịch độc đáo của từng vùng miền, trong đó, du lịch tâm linh, du lịch cộng là điểm nhấn quan trọng. Nhiều địa danh, sản phẩm du lịch của 3 tỉnh đã quen thuộc với du khách nội địa; góp phần quảng bá, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh; tăng cường hợp tác khai thác, tôn vinh các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Việc liên kết này đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho các địa phương. Năm 2014, Yên Bái đón gần 400.000 lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt 153 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương.
Để quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như đẩy mạnh việc hợp tác, phát triển du lịch với quy mô lớn hơn, năm 2008, Chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh đã phát triển thành chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ. Đây là một trong những nhóm hợp tác du lịch đầu tiên ở vùng Tây Bắc. Các tỉnh đã hình thành khung chương trình hành động, phát triển du lịch của khu vực giai đoạn 2010 - 2015, quan tâm đến các hoạt động hợp tác có chiều sâu như: cơ chế, chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Từ đó, 8 tỉnh trong khu vực đã phối hợp, hình thành bộ công cụ quảng bá du lịch bao gồm: biểu trưng, khẩu hiệu du lịch với đặc điểm riêng của khu vực và các tỉnh thành viên; thiết kế và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử về du lịch của khu vực; phát hành bản đồ du lịch và cẩm nang hướng dẫn du lịch; tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước...
Hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc đã đạt kết quả nhất định, bước đầu hình thành cơ chế chung trong chỉ đạo, khuyến khích mở rộng liên kết song phương; liên kết quảng bá, tạo sản phẩm, xây dựng các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, năm 2013, 8 tỉnh đã đón trên 11,7 triệu lượt khách (tăng 12,2% so với năm 2012), doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với năm trước).
Tuy nhiên, việc hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vẫn tồn tại một số hạn chế. Chương trình chưa có cơ chế hợp tác hiệu quả, khó thành lập quỹ phát triển du lịch chung. Hoạt động liên kết mới dừng lại ở hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, thiếu vai trò của các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch, người dân và chưa dựa trên một chiến lược phát triển du lịch tổng thể của khu vực. Sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, nhiều di tích mới ở mức trưng bày hiện vật, không có điểm nhấn đặc thù.
Sự hợp tác giữa các địa phương trong khu vực còn mang tính hình thức, các chuỗi sự kiện văn hóa du lịch diễn ra trùng lặp về nội dung, thời gian chưa hợp lý. Cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu cả về số lượng và chất lượng; đội ngũ nhân sự làm du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; việc huy động cộng đồng bản địa phục vụ cho du lịch còn hạn chế.
Do vậy, để du lịch vùng Tây Bắc tạo được sức hấp dẫn và thương hiệu riêng, các địa phương cần có những sản phẩm du lịch trọng tâm, đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá trọng điểm, xác định thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của vùng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế liên kết rõ ràng, đưa ra các quy định cụ thể về liên kết và hợp tác; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động du lịch.
Lê Thanh
Các tin khác
Chiều 5-11, tại thủ đô Phnom Penh, Lễ hội Nước - lễ hội lớn nhất trong năm theo lịch Khmer đã mở màn bên bờ sông Tonle Sap, phía trước Cung điện Hoàng gia.
Ngày 5/11, tại thị trấn Sa Pa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, Đặng Huy Huỳnh đã trao Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho Ban giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Qua Hội chợ Du lịch thế giới London 2014, Việt Nam muốn gửi đến các đối tác và khách hàng thông tin cập nhật, các hình ảnh và sản phẩm của du lịch với thông điệp về điểm đến du lịch Việt Nam “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Hang Sơn Đoòng, Quảng Bình vừa được tờ New York Times của Mỹ, xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách 52 địa điểm phải đến trong năm 2014.