Khơi dậy tiềm năng và nội lực
- Cập nhật: Thứ năm, 1/1/2015 | 7:54:41 AM
YBĐT - Năm 2014 được coi là năm thành công nhất của ngành du lịch Yên Bái với việc đón 400.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đã mang lại tổng doanh thu gần 200 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ du lịch cộng đồng khoảng 120 tỷ đồng.
Biểu diễn dù lượn tại Tuần Văn hóa và Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2014.
Ảnh: Thanh Miền
|
Nói đến Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến hồ Thác Bà. Hồ Thác Bà giống như một “Hạ Long trên núi”. Thác Bà - cái tên còn gắn với niềm tự hào của người Yên Bái về công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh Thác Bà, khắp địa bàn tỉnh là các đền, chùa nổi tiếng như: đền Tuần Quán, chùa Ngọc Am... (thành phố Yên Bái); đền Đông Cuông, Nhược Sơn (Văn Yên)... Những đền, chùa đã đưa du khách trở về với cội nguồn trong hành trình văn hóa tâm linh.
Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái: “Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế phát triển du lịch hiện nay, đáp ứng nhu cầu của phần lớn du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như: cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu. Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Muốn du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ văn hóa bản địa và phải định hướng giá trị ấy là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. |
Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học đặt tại Công viên Yên Hòa (thành phố Yên Bái) mãi vang vọng trong những trang sử của dân tộc với cuộc khởi nghĩa Yên Bái do chí sĩ yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo.
Đến Văn Chấn, du khách sẽ được tận hưởng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tại Khu du lịch sinh thái Suối Giàng và thưởng thức hương vị chè Shan tuyết được các cô gái Mông hái từ cây chè cổ thụ trăm năm tuổi ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển. Chén trà sóng sánh thơm vị chát ngọt của đồng bào hẳn làm ấm lòng du khách trong tiết trời vùng cao.
Theo câu hát mời gọi, vào Mường Lò, du khách được hòa mình với thiên nhiên, tìm hiểu nét đặc sắc của cộng đồng người Thái đen với những lễ hội văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực. Đêm xuống, chẳng ai có thể không say, không đắm mình trong hồn dân vũ các điệu khắp, điệu xòe cùng những thiếu nữ Thái e ấp áo cỏm, khăn piêu duyên dáng...
Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây nhỏ bé nằm giữa cánh đồng Mường Lò bao la. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc, dân số trên 27.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44%. Khách du lịch sẽ đến thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm quan Khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Du khách cũng được thư giãn, sảng khoái trong suối nước nóng Bản Hốc, Bản Bon và tận hưởng các món ăn đặc sản, thứ rượu nấu từ gạo ngon nổi tiếng xứ Mường.
Từ thị xã Nghĩa Lộ dọc theo quốc lộ 37, ngang qua xã Tú Lệ là gặp cánh đồng nếp tan lả nức tiếng một vùng với truyền thuyết về tộc người Thái đen đến ngụ cư. Những hạt nếp làm nên đĩa xôi dẻo thơm sẽ tiếp sức cho du khách tiếp tục cuộc hành trình lên mảnh đất đầy gió núi Mù Cang Chải.
Trên cao nguyên này, bằng khối óc và đôi bàn tay khéo léo của người Mông đã biến 700ha ruộng bậc thang thành kỳ quan với những mảnh ghép đậm sắc màu cuộc sống. Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của một tộc người. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2000. Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần, du khách cũng cảm nhận được sự phóng khoáng của thiên nhiên, nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mông, trọn vẹn niềm ấm áp của tình người mộc mạc.
Không chỉ có vậy, nơi cao nguyên đầy gió này, du khách còn có dịp tìm hiểu về Khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh tại xã Chế Tạo. Trong những cánh rừng ngút ngàn, qua nhiều năm khảo sát, người ta đã phát hiện ra 22 loài bò sát, lưỡng cư và 127 loài chim.
Năm 2014, màn đại xòe được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ với sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên đã lập nên một kỷ lục Guinnes Việt Nam. Cùng “Tuần Văn hóa - Thể thao và Du lịch Mường Lò”, “Tuần Văn hóa và Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải” với hàng loạt các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Yên Bái.
Tiềm năng to lớn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để Yên Bái có thể phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Vấn đề ở cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước để khơi dậy sức dân, để du lịch cộng đồng trở thành hướng phát triển bền vững của du lịch Yên Bái. Có được điều ấy, Yên Bái chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa!
Thanh Tân
Các tin khác
Chính phủ vừa ra Nghị quyết miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 7 nước khi nhập cảnh Việt Nam.
Sáng 30-12, Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDL) đã có buổi họp báo thông tin về hoạt động du lịch năm 2014, giới thiệu Nghị quyết 92/NQ – CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới và phương hướng hoạt động của năm 2015. Buổi họp báo thu hút sự tham dự của khoảng 50 đơn vị, cơ quan báo chí.
Tối 27/12, Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ nhất năm 2014 được khai mạc tại sân khấu ngoài trời Quảng trường nhân dân tỉnh Lai Châu.
Không giống như những năm trước, năm nay lễ hội Đếm ngược chào đón năm mới sẽ được tổ chức tại hồ Thiền Quang, Hà Nội, với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhóm nhạc đình đám. Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội được dàn dựng thành một bữa tiệc âm thanh – ánh sáng độc đáo trên mặt hồ.