Tịch điền - nghi lễ trọng nông

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/2/2017 | 7:56:36 AM

YBĐT -Lễ tịch điền là ngày hội xuân, được tổ chức trong tháng Giêng (tháng Mạnh xuân).

Tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành đi cày trong lễ tịch điền ở Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam.
Tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành đi cày trong lễ tịch điền ở Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam.

Sau khi đã làm lễ cúng Thần Nông, nhà vua đích thân xuống cày 3 luống, các vương công, chư hầu cày 5 luống, công khanh đại phu cày 7 luống, sĩ phu cày 9 luống. Sau đó, thửa ruộng này sẽ được gieo trồng bằng chính những hạt giống ngũ cốc do nhà vua mang đến và dân làng chăm sóc, thu hoạch sản phẩm dùng để tế lễ năm sau.

Lễ hội này nhằm khuyến khích việc canh nông. Hình ảnh nhà vua đích thân cày ruộng, để thể hiện đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng và việc sản xuất nông nghiệp của một quốc gia luôn được đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, hành động đi cày của nhà vua có công hiệu lớn hơn ngàn lời nói, vì nó nhắc nhở thần dân không được xao nhãng việc canh nông; nó còn có ý nghĩa nêu gương của bậc quân vương nhằm thiết lập kỷ cương đất nước trong lao động để nước cường, vật thịnh mới giữ yên bờ cõi.

Ở Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép, đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành đã thực hiện lễ cày tịch điền để động viên, khuyến khích nhân dân sản xuất. Đây được coi là dấu mốc lễ tịch điền đầu tiên mà một vị vua Việt Nam thân hành đi cày.

Sau đó, đến thời nhà Lý, các lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa xuân. Đến đời Trần, do bận việc giữ nước, chống ngoại bang nên lễ tịch điền không được tiến hành như trước. Tuy nhiên, khi có điều kiện, các vua vẫn đích thân điều hành nghi lễ này.

Đến thời nhà Hồ, sử sách không thấy nhắc đến việc duy trì lễ tịch điền, vì nhà Hồ chỉ tồn tại gần 10 năm. Thời Hậu Lê nghi lễ này tiếp tục được duy trì và đã có những đời vua thực sự chấn hưng nông nghiệp mạnh mẽ, nhất là việc xây dựng đê điều, kênh mương (kênh nhà Lê nổi tiếng), khẩn hoang... mở nền thịnh trị. Bởi vậy, dân gian mới có câu ca: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa tốt đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”.

Cho đến thời nhà Nguyễn, lễ tịch điền thực sự được coi như quốc lễ. Vua Gia Long đã quy định ruộng tịch điền và vua Minh Mạng khôi phục lại phong tục này như một việc rất quan trọng, thể hiện ở chỗ vua từng xuống chỉ dụ xem việc này "thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả".

Qua đó, nhà vua xét lại các nghi thức cử hành đại lễ này dưới các triều đại trước và cho rằng, nghi lễ còn quá giản lược, nên tháng 2 âm lịch năm 1828, vua giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành luật lệ lâu dài.

Đại lễ tịch điền được tổ chức kéo dài trong 5 ngày tại ruộng tịch điền ở kinh thành Huế. Đến thời vua Tự Đức, nghi lễ được chỉnh sửa cho bớt rườm rà và phù hợp với hoàn cảnh thực tế và vua vẫn là người đầu tiên xuống ruộng cày 3 sá đi, 3 sá lại. Sau đó, đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 sá, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn, lão nông chi điền lần lượt cày cho đến khi kết thúc.

Sau này, do đất nước triền miên bị ảnh hưởng của chiến tranh, khiến cho nghi lễ tịch điền bị gián đoạn. Cho đến 100 năm sau (2009), nghi lễ tịch điền mới lại được khôi phục đúng vào ngày mồng 7 tháng Giêng (lễ hạ cây nêu) tại một khu ruộng dưới chân núi Đọi, thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - nơi vua Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên ở Việt Nam thực hiện lễ tịch điền này vào năm 987.

Kể từ năm 2009 đến nay, lễ tịch điền được tổ chức hàng năm và các vị nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng về đây cày những sá cày đầu tiên trong lễ tịch điền.

Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ tịch điền Đọi Sơn gồm: lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh, lễ cúng tế tạ ơn trời đất… và tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư. Đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang, thái ấp.

Cùng với các nghi thức tế lễ tâm linh là liên hoàn các hoạt động diễn xướng văn hóa, nghệ thuật, thể thao dân gian và hiện đại, khiến cho lễ tịch điền ở Đọi Sơn luôn thu hút đông đảo du khách thập phương trong nhiều ngày và nó thể hiện được những nét tinh túy một lễ hội dân gian của cư dân nông nghiệp xưa kia có sức sống trường tồn với thời gian.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT – Những năm gần đây, Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách, không chỉ bởi vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ giữa đại ngàn núi rừng Tây Bắc, những biển mây trắng bồng bềnh trên đỉnh đèo Khau Phạ, những nét văn hóa độc đáo dân tộc Mông mà những rừng hoa tớ dày đỏ thắm, trắng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng càng góp thêm bức tranh xuân rực rỡ nơi vùng cao. Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi đến với Mù Cang Chải trong mùa hoa tớ dày!

YBĐT - Mảnh đất Văn Yên không chỉ được biết đến với hương quế cay nồng, với rừng nguyên sinh Nà Hẩu thơ mộng mà còn có nhiều lễ hội, nghi lễ văn hóa dân gian đặc sắc. Một trong những nghi lễ dân gian vẫn giữ được tính nguyên bản, độc đáo riêng có đến ngày nay là lễ Cấp sắc của dân tộc Dao đỏ.

Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 45.

Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn đã tham gia Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 45 tại khách sạn Pan Pacific vào ngày 16/1/2017.

Lễ hội đèn lồng đón tết Đinh Dậu tại Singapore.

5.500 đèn lồng sẽ làm bừng sáng khu vực China Town suốt cả mùa lễ hội năm 2017, trong đó tâm điểm là chú gà trống khổng lồ cao 13m, rộng 7m và có đuôi dài 100m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục