Hứa hẹn mùa lễ hội an toàn, văn minh
- Cập nhật: Thứ tư, 8/2/2017 | 1:54:36 PM
YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng năm diễn ra khoảng 20 - 22 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội thường niên diễn ra vào dịp đầu năm ở các di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Giao lưu văn nghệ trong lễ hội đền Mẫu Thác Bà (Yên Bình) xuân Đinh Dậu 2017. (Ảnh: Vũ Đồng)
|
Lễ hội đầu xuân là hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần, cũng như ước vọng của người dân. Trong kho tàng lễ hội của người Việt Nam, mỗi lễ hội đều có giá trị nhất định như: ghi nhớ công ơn của các bậc khai quốc công thần, mở mang bờ cõi, thành hoàng làng, hoặc gắn với truyền thống canh tác nông nghiệp như lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới...
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng năm diễn ra khoảng 20 - 22 lễ hội, trong đó có 4 lễ hội thường niên diễn ra vào dịp đầu năm ở các di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh. Hầu hết các lễ hội đều gắn với truyền thống. Qua đó, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, gìn giữ bản sắc, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
Tiếp nối những "điểm cộng" đã đạt được trong công tác quản lý lễ hội năm 2016, mùa lễ hội năm nay cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, vào cuộc quyết liệt, hứa hẹn một mùa lễ hội xuân an toàn, văn minh.
Mùa lễ hội năm 2016 đã diễn ra 19 điểm lễ hội, trong đó có 4 lễ hội được tổ chức ở các khu di tích cấp quốc gia. 15 lễ hội diễn ra thường niên, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc, của từng địa phương ở cấp xã, thôn, bản. Các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, trực tiếp là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trực tiếp cùng các địa phương có lễ hội triển khai, thực hiện khá tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Các lễ hội đều phát huy được giá trị văn hoá bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Các địa phương đã chỉ đạo thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn các ban tổ chức, ban quản lý lễ hội ở các đình, đền, chùa. Công tác an ninh trật tự ở các lễ hội, đình, đền, chùa được bảo đảm, cùng với ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh của nhân dân ở cơ sở. Do vậy, các lễ hội được diễn ra bảo đảm trật tự an toàn văn minh. Công tác vệ sinh môi trường cảnh quan và vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại các lễ hội và các đình, đền, chùa được thường xuyên quan tâm; bố trí nơi đốt đồ mã, vàng mã, thắp hương tại các khu di tích đúng nơi quy định…
Tiếp tục với thành công, kinh nghiệm của những mùa lễ hội trước, cùng với tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, trước mùa lễ hội 2017, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tăng cường chỉ đạo, quản lý các hoạt động lễ hội tại địa phương.
Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội; vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm để các lễ hội tổ chức diễn ra an toàn, đúng thuần phong, mỹ tục. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động lễ hội, chống mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, tâm linh để hành nghề mê tín, dị đoan, bói toán, xóc thẻ, giải thẻ, tổ chức lên đồng, giải hạn tại các đình, đền, chùa và truyền bá văn hoá phẩm có nội dung mê tín dị đoan, lợi dụng các trò chơi đánh bạc, đổi tiền lẻ…
Nghiêm túc thực hiện các văn bản quy định của Trung ương và của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tạo không khí vui tươi phấn khởi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân. Thông qua lễ hội, người dân nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử văn hoá các dân tộc, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá của các địa phương, củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng thêm bền chặt với truyền thống văn hoá uống nước nhớ nguồn.
Từng bước xóa bỏ hiện tượng mê tín. Sở cũng chỉ đạo kiểm tra các di tích, đình, đền, chùa có tổ chức lễ hội, củng cố ban quản lý, ban tổ chức, chuẩn bị chu đáo các điều kiện vật chất, bảo đảm công tác an ninh, trật tự an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho lễ hội. Chỉ đạo các địa phương có tổ chức lễ hội mới, lễ hội truyền thống, xây dựng kịch bản lễ hội, trình các cấp phê duyệt; kịch bản lễ hội phải bảo đảm đúng trình tự, đúng quy định, nội dung lễ hội trang trọng, đổi mới nhưng vẫn giữ được nét truyền thống văn hoá dân tộc.
Lễ rước Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh với đình, đền và chùa Văn Tiến (thành phố Yên Bái) dịp đầu xuân Đinh Dậu 2017. (Ảnh: Linh Chi)
Đồng thời bảo đảm an ninh trật tự; bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội; rà soát hệ thống trang thiết bị phòng, chống cháy nổ và công tác phòng, chống cháy nổ tại các di tích; không cho du khách đốt vàng mã và thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các di tích. Sở cũng yêu cầu ban quản lý, ban tổ chức lễ hội, điều hành chương trình lễ hội theo đúng báo cáo hoặc đơn xin phép, hướng dẫn đặt hòm công đức, không để xảy ra tình trạng tiền công đức, tiền “giọt dầu”, tiền lộc gây phản cảm, thiếu mỹ quan và làm ảnh hưởng đến di tích. Việc tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội phải có nội dung bổ ích lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm của lễ hội. Tổ chức dịch vụ ăn nghỉ, phải bảo đảm an ninh, trật tự và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện các ban chỉ đạo, ban tổ chức lễ hội tại các địa phương có tổ chức lễ hội đã được thành lập, kiện toàn. Tại từng ban tổ chức lễ hội chủ động thành lập các tiểu ban và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người, từng vị trí. Các địa phương có lễ hội cũng đang tích cực làm nhiệm vụ tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, pa nô, áp phích, băng rôn về ý nghĩ và giá trị lịch sử của lễ hội; bảo đảm tổ chức an toàn, hiệu quả, thiết thực, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ di tích, di sản; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Lễ hội là nơi con người trở về với nguồn cội, với lịch sử, quê hương. Với những nỗ lực cố gắng của các ngành, các địa phương trong tổ chức các lễ hội đầu xuân của tỉnh thì các lễ hội có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể của lễ hội - đó là những người trực tiếp tham gia lễ hội. Người dân và du khách thập phương sẽ ý thức hơn khi đến với các lễ hội để lễ hội xuân thật sự là những lễ hội văn hóa.
Thanh Ba
Các tin khác
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 8-3 đến 13-3, tại TP Buôn Ma Thuột với chủ đề "Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển".
YBĐT - Đền Đông Cuông đã trở thành một địa điểm quen thuộc đối với du khách thập phương trong những chuyến du xuân cầu may đầu năm. Năm nay, Lễ hội đền Đông Cuông được nghiên cứu bổ sung những hoạt động lễ và hội mới đặc sắc, hứa hẹn hấp dẫn du khách.
YBĐT - Mùa xuân - mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật, cũng là mùa của các lễ hội. Vào khoảng từ mùng 5 đến 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm, giữa tiết trời ấm áp, nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên lại rộn rã, nô nức đến với các hội đền, chùa, đình để cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa… mong ước cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
YBĐT - Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017 và chào mừng kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017), sáng 3/2, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Văn Tiến tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đình, đền và chùa Văn Tiến, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái).