Gặp nhau tại nhà nghỉ Homestay trong bản người Thái Kim Nọi trong Tuần lễ Khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2018, chị Thùy Dung - du khách đến từ tỉnh An Giang xa xôi bày tỏ: "Đến với Mù Cang Chải vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên vùng Tây Bắc, chúng tôi vừa được tiếp cận văn hóa đặc sắc của bà con người dân tộc Mông, Thái nơi đây. Thực sự, chúng tôi đã có được những cảm nhận rất mới lạ và ấn tượng”.
Hiện, Yên Bái có 25 thôn, bản với 144 hộ người Thái, Mông, Dao, Tày ở các huyện: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình… đang khai thác, phát triển loại hình DLCĐ. Loại hình du lịch này đã thu hút trên 20.000 lượt khách mỗi năm, doanh thu đạt 4 tỷ đồng. Tìm hiểu về DLCĐ, chúng tôi đến thị xã Nghĩa Lộ - cái nôi văn hóa Thái đặc sắc.
Để phát triển DLCĐ, từ năm 2014, thị xã đã triển khai Dự án "Xây dựng mô hình DLCĐ gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại xã Nghĩa Lợi” và "Mô hình DLCĐ khu vực nông nghiệp - nông thôn xã Nghĩa An”.
Với hơn 20 hộ làm DLCĐ, loại hình này đã tạo gần 500 chỗ nghỉ, đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm 2018 của thị xã là 13,7 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định bình quân từ 2,5 - 7 triệu đồng/tháng.
Đến thôn Đêu 1, xã Nghĩa An, chúng tôi thăm gia đình bà Hoàng Thị Phượng - một trong những người tiên phong làm Homestay ở Nghĩa Lộ. Cách đây 10 năm, ngôi nhà sàn được bà nâng cấp, cải tạo, xây dựng thêm có thể đón gần 30 du khách ngủ lại qua đêm, phục vụ ăn uống cho khoảng 60 - 80 người.
Bà Phượng cho biết: "Cùng phục vụ các món ăn truyền thống của người Thái và lưu trú, gia đình có gian trưng bày các sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng của đồng bào Thái phục vụ nhu cầu du khách. Du khách còn được tham gia múa xòe, chơi nhạc cụ dân tộc, trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương...”.
Tạm biệt những mô hình DLCĐ ở thị xã Nghĩa Lộ, ngược quốc lộ 32, chúng tôi lên huyện vùng cao Mù Cang Chải - nơi dân cư chủ yếu là người Mông. Câu chuyện làm DLCĐ ở nơi đây có lẽ được bắt đầu từ khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng danh thắng quốc gia.
Do đó, nhiều gia đình người Thái, người Mông như ông Tòng Văn Dơn, Lương Văn Dương, Lương Văn Sanh... ở bản Kim Nọi, thị trấn Mù Cang Chải; Hảng A Dào, Hảng A Dê, Hảng Thị Bla, Hảng Thị Sáy ở La Pán Tẩn; Sùng A Dê ở Cao Phạ… với sự năng động, nhạy bén đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa lại nhà cửa, xây nhà tắm, nhà vệ sinh, mua chăn, màn, gối đệm, mua sắm thêm trang thiết bị để đón khách.
Nhiều gia đình còn mở thêm dịch vụ ăn uống, tắm lá thuốc... Và trên 60 hộ làm DLCĐ như hiện nay đã góp phần làm thay đổi vùng cao. Cảnh quan thiên nhiên được người dân giữ gìn, môi trường sống trong lành, nhà nhà sạch sẽ, có công trình vệ sinh hiện đại.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, loại hình này đã thu hút được 30% lao động thôn, bản tham gia vào dịch vụ, chuyển khoảng 20% thời gian nông nhàn sang các ngành nghề dịch vụ cho phát triển du lịch. Không chỉ có nguồn thu nhập, người dân còn được mở rộng kiến thức xã hội, tiếp thu những nét văn minh trong sinh hoạt đời thường.
Nhiều thanh niên, thậm chí cả lão nông giờ cũng biết chút tiếng Anh, tiếng Pháp… để giao tiếp, biết nấu ăn, làm hướng dẫn viên du lịch. DLCĐ không chỉ giúp bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, mà qua đó gắn kết cộng đồng cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội.
Một du khách người Pháp khi đi DLCĐ ở tỉnh Yên Bái đã cho biết: "Qua DLCĐ, chúng tôi được tiếp xúc với cảnh đẹp và văn hóa đặc sắc, với những con người gần gũi, thân thiện và rất đáng yêu. Tôi sẽ nhớ mãi về vùng đất này!”.
Đình Tứ