Với ý nghĩa đó, đoàn công tác của Báo Yên Bái đã tổ chức một chuyến công tác về nguồn nhằm giáo dục truyền thống; đồng thời, tạo điều kiện cho một số cán bộ, phóng viên có thêm trải nghiệm về đất và người Hà Giang, học tập những cái hay, cái đẹp, những kinh nghiệm, bài học quý giá về tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của địa phương đến với bạn bè trong, ngoài nước.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ thành phố Yên Bái, qua Tuyên Quang rồi thẳng tiến lên Hà Giang. Đều là những người lần đầu đến đây, ai cũng ngỡ ngàng bởi thành phố miền núi này khá xinh xắn nằm giữa hai bờ sông Lô, sông Miện, ôm trọn núi Cấm, Mỏ Neo thơ mộng.
Sau khi làm việc với Ban Biên tập báo Hà Giang về công tác báo chí, xuất bản, những trao đổi xung quanh việc quảng bá du lịch, đồng chí Phó Tổng biên tập Nguyễn Bình Minh và 2 phóng viên Nguyễn Văn Tầm, Nguyễn My Ly trực tiếp đưa chúng tôi đi thực tế ở cơ sở. Hành trình của chúng tôi là quốc lộ 4C dài gần 150 km qua các địa phận 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và cuối cùng là Đồng Văn.
Khỏi phải nói, chúng tôi vô cùng phấn khởi, bỡ ngỡ khi Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra trước mặt, Cũng từ đây con đường mang tên Hạnh Phúc trở lên khúc khuỷu hơn, nhiều dốc cao, cua gấp, vực thẳm, đường đèo chênh vênh, cheo leo nối tiếp nhau. Tuy đã được nghe các bạn đồng nghiệp giới thiệu trước nhưng càng đi, càng thấy Hà Giang kỳ vĩ, khắc nghiệt vô cùng, cơ sở hạ tầng còn khó khăn.
Từ thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ trở đi, sang địa phận huyện Mèo Vạc, cung đường ngày càng lắt léo, vách đá lô xô dựng đứng, con đường không có quá nổi 100 m thẳng, ấy vậy mà vẫn thấp thoáng những cụm dân cư với những ngôi nhà chình tường, quan sát kỹ lại thấy trong những kẽ đá lấp ló những mầm xanh của ngô non, của lúa mạch, đôi khi lại bắt gặp những người dân đi ngược đường vẫy tay chào chúng tôi. Sự hồn hậu ấy thực sự để lại ấn tượng trong tôi.
Hóa ra những con người trên cao nguyên đá đơn giản mà không hề đơn điệu, bình dị mà không hề bình thường. Nếu không có một nghị lực phi thường thì rất khó để chiến thắng thiên nhiên - tôi thầm nghĩ vậy.
"Hà Giang có 10 huyện và thành phố Hà Giang và tất cả đều có các dịch vụ homestay và làng bản văn hóa. Trong đó, 4 huyện vùng cao nguyên đá thì tốc độ phát triển homestay và làng bản văn hóa phát triển mạnh theo từng năm và du lịch ở đây được coi là động lực phát triển kinh tế. Đặc biệt, những homestay, làng bản văn hóa này đều do người Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Nùng, La Chí... đứng ra làm. Họ tận dụng những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi của mình, những nét văn hóa đặc trưng sẵn có và ẩm thực vùng miền để chiều lòng du khách.
Không những vậy, người dân và chính quyền địa phương đã có sự vào cuộc đồng bộ nên các sản vật của người dân làm ra từ hạt tam giác mạch, ngô nương đến cao củ dong... đều trở thành các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu riêng. Bởi thế, đến Hà Giang, du khách không chỉ đắm chìm trong thiên nhiên hùng vĩ mà còn được tận hưởng cả không khí trong lành, sự ân cần mến khách của người dân địa phương và thức đêm với không gian mờ ảo của chợ cổ Đồng Văn, để rồi ngất ngây men rượu trong ngôi nhà cổ vài trăm năm ở đây” - phóng viên Nguyễn Văn Tầm chia sẻ.
Như để chứng minh những gì nói, trên đường lên thăm cột cờ Lũng Cú, đoàn chúng tôi được các bạn đưa tới những điểm làm du lịch nổi tiếng trên đỉnh Mã Pì Lèng ngắm nhìn dòng sông Nho Quế sâu hun hút, dạo phố và thưởng thức đặc sản bánh cuốn trứng nóng hổi, món thắng dền dẻo thơm đầy vị cay ấm của gừng ở chợ cổ Đồng Văn.
Cùng trong hành trình ấy, đoàn dừng lại ở Dinh Nhà Vương gắn liền với cuộc đời của Vua Mèo Vương Chính Đức (1865-1947) và con trai ông là Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành) (1886-1962). Tại đây, chúng tôi được hướng dẫn viên là cháu gái đời thứ tư Vua Mèo kể những câu chuyện hấp dẫn.
Rời dinh thự Nhà Vương, chúng tôi đến ngôi nhà của ông Mua Súa Páo, người dân tộc Mông nằm ở thôn Lũng Cẩm, thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn. Ngay từ cổng làng, một nhóm chừng chục đứa trẻ, đứa thì đen nhẻm đứa thì hồng hào và tất thảy đều có cặp mắt rất sáng và nở nụ cười hồn nhiên. Chúng ríu ran, hiếu khách và nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận ngôi nhà 2 tầng trong phim "Chuyện của Pao” giống như ngôi biệt thự giữa cao nguyên đá.
Trẻ em ở Hà Giang hồn nhiên và thân thiện.
Điểm đặc biệt ở Hà Giang là mùa này hoa đào vẫn đỏ thắm nở bừng trước mỗi ngôi nhà, màu hoa lê trắng điểm tô càng làm cho làng bản vùng cao như thơ, như mộng đẹp ngỡ trong phim.
"Khi tỉnh có chủ trương mọi cấp, mọi ngành và người dân phát huy lợi thế sẵn có của thiên nhiên làm du lịch, Báo Hà Giang đã mở chuyên mục Hà Giang qua ảnh, mời gọi tất cả mọi phóng viên, cộng tác viên, các nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên trong toàn quốc tham gia nhằm khai thác mọi thế mạnh của tỉnh từ văn hóa, ẩm thực, tập tục, phong cảnh, lễ hội... Đồng thời, chuyên mục văn hóa và du lịch trên báo in được ưu tiên đăng tải các bài viết về Hà Giang. Do vậy, thu hút được nhiều du khách đến Hà Giang.
Cùng với đó, chúng tôi cũng yêu cầu mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên đều phải tự học, tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của 19 tộc người trong tỉnh để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên phải là một hướng dẫn viên, tuyên truyền viên quảng bá hình ảnh Hà Giang” – Phó Tổng biên tập Nguyễn Bình Minh cho biết.
Trời về chiều, đoàn chúng tôi trở về thành phố Hà Giang, tâm tư dường như vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc về cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng tôi lại được các bạn đưa đến một bản người Tày làm du lịch. Tại đây, chúng tôi được sống thực sự trong không gian sống của người dân, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống vừa được ngắm nhìn từng mảnh vườn, bờ ruộng, ao cá, chuồng trại gia súc...
Tạm biệt Hà Giang, tình yêu trong tôi về đất và người nơi đây cứ nhân lên mãi. Lời cô phóng viên trẻ Nguyễn My Ly vẫn còn văng vẳng bên tai: "Hà Giang quê em đẹp lắm! Đẹp từ hòn đất, hòn đá, nhành cây, hoa dại, quả thông ở Yên Minh. Buổi sáng, sương giăng mịt mùng khắp lối, buổi tối sương bay là là. Đẹp đến mê hồn những chồi non xanh nõn lấp ló trong những hốc đá cằn khô! Đẹp từ những dãy núi trùng điệp, những con đèo, con dốc, khúc cua quanh co, Mã Pì Lèng hùng vĩ, Nho Quế xanh ngắt một màu đến những khuôn mặt lấm lem, thơ ngây của mấy em nhỏ bắt gặp trên đường, những cô gái Lô Lô, cô gái Mông, cô gái La Chí váy xòe sặc sỡ, miệng cười tỏa nắng, ánh mắt trong veo, lúng liếng”... Quả là những hướng dẫn viên thực thụ.
Cảm xúc ấy đã níu chân tôi hẹn ngày trở lại!
Thủy Thanh