Phấn đấu đưa du lịch - ngành "công nghiệp không khói” trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa gắn với du lịch, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù.
Kết thúc năm 2018, toàn tỉnh đã đón và phục vụ 560.000 lượt khách (tăng 10,5% so với cùng kỳ, vượt 9,8% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế đạt 25.758 lượt khách, doanh thu ước đạt 333 tỷ đồng. Những bước đi đúng hướng của ngành du lịch đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Chị Trịnh Thị Hồng đến từ tỉnh Bình Dương chia sẻ trong chuyến du xuân Kỷ Hợi vừa qua: "Giờ đọc báo, xem truyền hình, hình ảnh Yên Bái được quảng bá nhiều hơn khiến nhiều người rất háo hức muốn khám phá. Quả thật, đi xa quê bao năm và khi trở về, tôi không nghĩ giữa phố núi lại có một đường hoa rực rỡ vậy, chưa kể khi vào miền Tây còn được chứng kiến đồng bào người Thái biết làm du lịch rất chuyên nghiệp. Trên đường đi hoặc những nơi dừng chân, tôi gặp rất nhiều du khách người nước ngoài, họ say sưa trải nghiệm cùng người dân giã cốm, nấu ăn, dệt vải, bắt cá và múa xòe. Tôi rất ấn tượng với những nét văn hóa của quê hương”.
Còn anh Đào Anh Tú ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã đến Yên Bái nhiều lần, mỗi lần đều để lại ấn tượng đẹp. Mỗi lần đưa bạn bè lên Yên Bái, chúng tôi đều tìm hiểu và mong muốn Yên Bái có cơ chế thoáng để chúng tôi đầu tư vào phát triển du lịch xanh. Hiện, tôi thấy còn nhiều vùng đất có địa thế đẹp có thể xây dựng được những khu ẩm thực, nơi nghỉ dưỡng mang đậm bản sắc địa phương như: hồ Chóp Dù, hồ Minh Quân, hồ Vân Hội... Tôi đã thấy ở đó có một vài nhà hàng nhưng tổ chức chưa quy mô và bài bản, khó thu hút khách. Do đó, một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ quay trở lại nơi đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào du lịch”.
Có thể nói, du lịch Yên Bái đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực qua con mắt du khách gần xa. Đặc biệt, năm 2019 này, nhiều sự kiện sẽ được tổ chức như: Tuần văn hóa - du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng”; du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Tà Xùa, đỉnh Tà Chì Nhù; Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ”; Sự kiện ra mắt sản phẩm du lịch mạo hiểm và sản phẩm du lịch sinh thái tại thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn và Lễ hội Quế Văn Yên; Chương trình du lịch "Trải nghiệm bình nguyên xanh Khai Trung”; Lễ hội bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà…
Du lịch đang một ngành kinh tế đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái vẫn còn nhiều việc phải làm để bắt kịp được với xu thế ấy. Ngoài tiềm năng sẵn có, cần có những cái sự phối hợp chặt chẽ giữa của nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và người dân.
Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch homestay rộng khắp, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch để từng bước đưa ngành du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của du khách. Làm tốt những điều này, chắc chắn trong tương lai không xa du lịch Yên Bái sẽ cất cánh sánh cùng với các địa phương khác.
Thủy Thanh