Phát huy truyền thống của ngành du lịch Việt Nam, thời gian qua, ngành du lịch Yên Bái có nhiều bước phát triển tích cực.
Với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa đa dạng, có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, Yên Bái đang hình thành 4 vùng du lịch trọng điểm.
Đó là vùng hồ Thác Bà và sông Chảy (huyện Yên Bình và Lục Yên); vùng du lịch thành phố Yên Bái và phụ cận (thành phố Yên Bái và phía Nam của huyện Trấn Yên); vùng du lịch miền Tây của tỉnh (huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ); vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên (phía Bắc của huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên).
Để hướng tới phát triển du lịch bền vững, thời gian qua, tỉnh đã ban hành, triển khai những chủ trương, chính sách, quy hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch như: Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 định hướng đến 2025; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND, trong đó có một số chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch; Nghị quyết số 14/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 – 2020.
Tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn và gần đây nhất UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng Thương hiệu và Phát triển Du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 17/4/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Đề án "Xây dựng thương hiệu du lịch và quảng bá du lịch Yên Bái giai đoạn 2020 – 2030”.
Yên Bái đã quan tâm thu hút mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Tập đoàn ALPHANAM với Dự án Công viên văn hoá, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà; Tập đoàn TH True Milk (Công ty cổ phần Phát triển du lịch và nghỉ dưỡng Quốc tế Vân Hội) với Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển thương nghiệp (ITD) với Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.
Tỉnh cũng tăng cường hợp tác liên vùng, trong và ngoài nước như Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Hợp tác với tỉnh Val de Marne, Cộng hòa Pháp…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thường niên; tham gia các hội chợ du lịch thương mại trong và ngoài tỉnh; tổ chức tham gia các hội nghị, hội thảo; quảng bá du lịch trên các trang báo chí trong nước và trang thông tin của ngành; xuất bản ấn phẩm du lịch; xây dựng các pa nô quảng bá du lịch Yên Bái đặt tại các khu, điểm có hoạt động du lịch…
Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh trong phát triển du lịch, những năm gần đây, số lượt du khách đến với Yên Bái ngày càng tăng. Năm 2016, đón 500.000 lượt khách, khách quốc tế 20.400 lượt, doanh thu đạt 250 tỷ đồng; năm 2019 đã đón 727.000 lượt, quốc tế đạt 150.000 lượt, doanh thu đạt 438 tỷ đồng (tăng trung bình 9,8% giai đoạn 2016 - 2019).
Những kết quả trên của ngành du lịch Yên Bái có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đó cũng là kết quả của cả chặng đường dài phát triển với sự đóng góp quý báu của nhiều thế hệ cán bộ và người lao động trong ngành du lịch Yên Bái; sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các địa phương; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tin, truyền thông và sự ủng hộ, đồng hành của du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tài nguyên, tiềm năng thế mạnh của du lịch Yên Bái: sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay còn đơn điệu, các loại hình vui chơi giải trí còn ít; chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được cho khách bình dân, hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên còn ít.
Du khách quốc tế thể hiện sự thích thú với sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông miền Tây Yên Bái. (Ảnh: Thanh Miền)
Để bảo đảm chất lượng tăng trưởng trước yêu cầu phát triển bền vững, thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tham mưu với tỉnh tập trung các nguồn lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp:
Một là, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; Chương trình hành động số 83-CTr/TU ngày 05/8/2017 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 gắn với việc triển khai Kế hoạch hành động số 179-KH/TU, ngày 2/3/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 1,35 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Hai là, tiếp tục triển khai Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 19/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu đến trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
Ba là, quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh. Quy hoạch, phát triển huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch, thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch.
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đồng bộ, phù hợp với bản sắc địa phương; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm là, xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái với các dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Yên Bái như: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch mạo hiểm.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; ứng dụng công nghệ số thúc đẩy phát triển du lịch thông minh; tập trung nguồn lực để xây dựng và công nhận một số khu, điểm du lịch cấp tỉnh.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khác biệt, bản sắc, hấp dẫn, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng trong và ngoài nước.
Tin tưởng rằng, thời gian tới, với lợi thế về nguồn du lịch, sự tâm huyết, sáng tạo và năng động của các thế hệ cán bộ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần đưa du lịch Yên Bái ngày càng phát triển vững mạnh, phấn đấu trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực Tây Bắc.
Lê Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái