Đặc sắc tục thờ Mẫu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/2/2021 | 8:35:53 AM

YênBái - Đền Đông Cuông một di tích lịch sử cấp quốc gia, ngôi đền cổ nổi tiếng linh thiêng, nằm bên tả ngạn Sông Hồng, được coi là đền thờ chính thờ Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu đệ nhị trong Tam phủ của người Việt. Đây cũng là nơi phát tích tục thờ Mẫu Thượng Ngàn của người Việt. Đây là điểm đến trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh, nhớ về nguồn cội của du khách mỗi độ xuân về.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại đầu năm 2016, khẳng định sức sống bền vững, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Di sản văn hóa phi vật thể ấy là một bức tranh hết sức đa dạng của đời sống văn hóa tâm linh, mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có bề dày hàng trăm năm với các hệ giá trị độc đáo, gắn liền với việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên - biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.


 Nghệ thuật âm nhạc, ca từ được thanh đồng thể hiện thăng hoa với nét mặt rạng ngời.

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ hầu đồng. Mỗi nghi lễ hầu đồng có từ 5 - 36 giá. 

Nếu chầu văn là "linh hồn” của tín ngưỡng thờ Mẫu thì trang phục (khăn chầu, áo ngự) là vật dụng quan trọng không thể thiếu để thực hiện nghi thức lên đồng. Mỗi một bộ trang phục, điệu múa, bài hát khác nhau gắn với từng vị thánh trong đạo Mẫu và còn là hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều thế hệ người Việt. 

Những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để cầu cho quốc thái, dân an, gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng, niềm tin chân thành của con người với trời đất, thần linh.

Miên man trong câu hát văn đầu xuân "Đông Cuông cổ tích hữu tình danh lam. Tiên cô Bé trên ngàn lừng lẫy. Đất Đông Cuông đã dậy thân oai”, tôi tìm về mảnh đất Đông Cuông, huyện Văn Yên - nơi tọa lạc ngôi đền Đông Cuông linh thiêng nằm ven sông Hồng. 

Đây là điểm đến tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ tháng Giêng, các thanh đồng trên mọi miền đất nước lại tựu về đền Đông Cuông để lễ mẫu và "bắc ghế hầu thánh”. 

Tiếng trống, tiếng chuông, văn chầu, áo ngự, hương thơm, quả ngọt như dẫn lối du khách vào thế giới kỳ bí với những vũ điệu uyển chuyển và giọng hát văn đầy mê hoặc. 

Âm nhạc nổi lên, thanh đồng cùng bốn tay quỳnh, tay quế bước lên sập công đồng. Khoác lên mình trang phục màu xanh của Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn, thanh đồng hướng tâm thành kính về Mẫu. 

Xung quanh du khách vỗ tay hò reo nhộn nhịp. Nghệ thuật âm nhạc, ca từ được thanh đồng thể hiện thăng hoa với nét mặt rạng ngời, tươi vui và hạnh phúc. 



Một nghi lễ hầu đồng trong Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: Chiến Thắng

Gắn bó với nghệ thuật hầu đồng 36 năm nay, Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam đã thực hành thuần thục với trình độ nghệ thuật cao 36 giá đồng, thể hiện 50 đến 60 vị thánh với phong cách đặc thù riêng, đổi diện qua từng nhân vật. 

Những năm qua, ông cũng tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện, công tác tu bổ, tôn tạo các đền, phủ và mới nhất là tại đền Đông Cuông. 

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh cho biết: "Nghi lễ hầu đồng rất quan trọng và có tầm vóc trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam. Có người hầu đồng nhằm cầu bình an, cầu cho mọi việc trong gia đình hanh thông, cũng có người tìm đến cửa thánh để xin lộc, xin tài cho bản thân và gia đình”. 

Ông cũng khẳng định thêm: "Đền Đông Cuông là một linh tích có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ Đạo Mẫu, được coi là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Đệ nhị trong Tam tòa Thánh Mẫu. Chính vì thế, hàng năm, dù có đi bất kỳ nơi đâu làm bất cứ việc gì, tôi cũng luôn dành thời gian để trở về đền Đông Cuông dâng hương kính Mẫu, để tinh thần luôn thoải mái và an yên”.

Thu Trang - Minh Huyền - Quyết Thắng

Tags Văn Yên Đông Cuông tục thờ mẫu

Các tin khác
Hồ Thác vào xuân. (Ảnh: Thanh Miền)

Những năm gần đây, huyện Yên Bình quyết tâm thực hiện phát triển du lịch dựa trên việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đảm bảo an toàn cho du khách dịp Tết.

Các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch cần chủ động phương án tổ chức các hoạt động phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán; bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, thực phẩm và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách.

Phát triển du lịch theo hướng tôn trọng thiên nhiên và văn hóa bản địa

Các bản làng đô thị hóa, phong tục tập quán có sự lai tạp, tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch… là những ví dụ về sự phát triển du lịch ồ ạt, phá vỡ sự cân bằng môi trường sống - cảnh quan - văn hóa.

Thung lũng Mường Hoa, Sapa mùa đổ nước.

Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục