Đường hầm Vespasianus Titus (Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ) là công trình kiến trúc cổ tuyệt đẹp để ngăn nước lũ dưới thời đế quốc La Mã.
|
|
Đường hầm Vespasianus Titus nằm ở tỉnh Hatay, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Công trình được xây dựng để ngăn dòng nước lũ mang theo cát, sỏi tràn xuống thành phố Seleucia Pieria và bến cảng Antioch. Hàng nghìn tù nhân và nô lệ của La Mã phải đào đá ngày đêm để hoàn thành việc xây dựng đường hầm được khoét từ những khối đá khổng lồ, cao chót vót. Ảnh: Daily Sabah.
Đường hầm Vespasianus Titus được khởi công xây dựng dưới thời hoàng đế La Mã Vespasian (69-79) vào thế kỷ 1. Việc xây dựng được tiếp tục trong thời kỳ trị vì của con trai ông là Titus (79-81). Cuối cùng, sau 150 năm xây dựng, đường hầm đã được hoàn thành dưới thời hoàng đế Antoninus Pius. Ảnh: Turkey Tour Organizer.
Đường hầm dài 1.380 m với chiều cao 7 m và chiều rộng 6 m. Vespasianus Titus là một phần của hệ thống dẫn nước, bao gồm đập để chuyển hướng dòng chảy của sông Orontes; kênh dẫn nước ngắn; đoạn đường hầm đầu tiên; kênh trung gian ngắn; đoạn đường hầm thứ hai và kênh xả dài. Hệ thống dẫn nước được thiết kế theo nguyên tắc chặn dòng suối bằng nắp lệch, sau đó chuyển nước qua kênh và đường hầm nhân tạo. Ảnh: Daily Sabah.
Từ quầy vé, du khách men theo con đường mòn dọc theo dòng kênh thủy lợi gần như khô cạn sẽ nhìn thấy dòng chữ khắc ở lối vào đoạn đường hầm đầu tiên: Vespasianus và Titus. Trong khi đó, tên của hoàng đế Antoninus Pius được chạm khắc ở kênh xả dài. Ảnh: 123rf.
Cách đường hầm khoảng 100 m là hang Besikli, tiếng Hy Lạp có nghĩa "thành phố của người chết". Trong hang có những ngôi mộ từ thời La Mã cổ đại, được cho là của một nhà quý tộc cùng gia quyến. Những ngôi mộ có mái vòm phía trước, được trang trí và chạm khắc cầu kỳ. Các ngôi mộ giờ đây đều trống rỗng do bị kẻ trộm mộ cướp phá. Ảnh: Dissolve.
Đường hầm Vespasianus Titus nằm trong danh sách di sản thế giới dự kiến của UNESCO từ năm 2014. Theo UNESCO, đường hầm Vespasianus Titus là một trong những công trình tráng lệ nhất của đế quốc La Mã với kích thước lớn và giá trị kiến trúc, kỹ thuật độc đáo. Hiện nay, công trình này là điểm tham quan nổi tiếng, thu hút nhiều du khách khi đến Samandag, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: tripadvisor.
(Theo zingnews)
Cây cầu gỗ hiện lên mộc mạc, nên thơ giữa khung cảnh ráng chiều rực rỡ của vùng đất Phú Yên.
Pháo đài Hwaseong (Suwon, Gyeonggi) là kiệt tác phòng thủ quân sự dưới triều đại Joseon, đánh dấu quá trình tiếp biến văn hóa của Hàn Quốc cuối thế kỷ 18.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra khối đá ngầm (một lớp trầm tích của một kênh nước tan hình thành bên dưới một tảng băng), trong một thung lũng đường hầm dưới đáy Đại Tây Dương.
Cầu ngói Thanh Toàn được mệnh danh là cây cầu cổ hiếm có, mang giá trị nghệ thuật cao nhất ở Việt Nam. Năm 1990, cây cầu này được Bộ VHTTDL công nhận là di tích cấp quốc gia.