Mù Cang Chải: Văn hóa truyền thống - điểm nhấn du lịch cộng đồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/12/2021 | 7:51:17 AM

YênBái - Huyện Mù Cang Chải không chỉ được biết đến với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang mà với dân số 99% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trên 90% là đồng bào Mông có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc. Đây là nền tảng để địa phương duy trì, phát triển các phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng đậm đà bản sắc riêng có, thu hút du khách, phát triển du lịch của địa phương.

Múa khèn là tiết mục đặc sắc luôn được du khách yêu thích khi đến với Mù Cang Chải.
Múa khèn là tiết mục đặc sắc luôn được du khách yêu thích khi đến với Mù Cang Chải.

>> Non cao Yên Bái tươi sắc hoa hồng

 
Trong những năm gần đây, phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng đã được huyện Mù Cang Chải chú trọng, định hướng phát triển làm điểm nhấn trong các hoạt động du lịch, tạo sức hút, hấp dẫn du khách đến với huyện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. 

Nắm bắt được nhu cầu thưởng thức, khám phá văn hoá dân tộc của nhiều du khách, các nghệ nhân, diễn viên của huyện đã không ngừng tìm hiểu, duy trì các nét văn hoá truyền thống vừa mang lại sự mới lạ cho du khách, vừa gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình. 

Hiện nay, toàn huyện có 110 đội văn nghệ hoạt động, trong đó có 1 đội văn nghệ xung kích của huyện; 5 đội văn nghệ quần chúng của xã, thị trấn; 84 đội văn nghệ quần chúng của các thôn, bản, tổ chức, cơ quan đơn vị và 20 đội của các trường học. Các đội văn nghệ quần chúng của huyện đã duy trì hàng trăm tiết mục văn nghệ hát, múa, độc tấu nhạc cụ dân tộc, tái hiện các nghi lễ đặc sắc... 

Điển hình như tiết mục múa "Hẹn nhau bên suối” của Đội văn nghệ quần chúng xã La Pán Tẩn, múa "Xuống chợ” của Đội văn nghệ quần chúng xã Chế Cu Nha, múa khèn Mông đu của Đội văn nghệ quần chúng xã Khao Mang, Lễ mừng cơm mới, Lễ hội giã bánh dày... 

Ông Giàng A Pàng ở bản Nả Dề Thàng, Đội Trưởng Đội múa khèn Mông đu, xã Khao Mang cho biết: Trong đội có nhiều tiết mục từ múa khèn hiện đại, hát giao duyên, hát dân ca... nhưng đặc sắc nhất vẫn là múa khèn Mông đu truyền thống luôn được khách du lịch trong và ngoài tỉnh yêu thích. Bởi vậy, hàng năm chúng tôi thường xuyên tự ôn luyện, biểu diễn để vũ điệu ngày càng thêm dẻo dai, điêu luyện. 

Chúng tôi không chỉ biểu diễn khi huyện, xã có lễ hội mà tiết mục múa khèn Mông đu cũng được nhiều đoàn khách du lịch mời đi biểu diễn, giao lưu mỗi khi đến với huyện Mù Cang Chải. Trung bình mỗi năm, các đội văn nghệ quần chúng của toàn huyện tổ chức biểu diễn trên 200 buổi với hơn 600 tiết mục. 

Để phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng thêm phong phú, các đội văn nghệ quần chúng ở các bản các xã giáp nhau còn tổ chức giao lưu trong các dịp lễ, tết cổ truyền để trau dồi, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. 

Đối với các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Homestay Khim Nọi ở tổ dân phố số 5 thị trấn Mù Cang Chải; Khu du lịch Ecolodge Nậm Khắt; Hello Mu Cang Chai... văn nghệ quần chúng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong việc đón tiếp khách. Trong đó, nhiều tiết mục được du khách yêu thích, đánh giá cao như múa khèn tốp, múa khèn đơn truyền thống, tấu đàn môi, độc tấu sáo mèo, múa đàn tính, hát giao duyên... 

Anh Nguyễn Văn Sơn, du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ: Tôi đã đi khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc, mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có những nét văn hoá đặc sắc riêng. Song, đến với Mù Cang Chải, tôi tâm đắc nhất là vũ điệu múa khèn Mông với sự kết hợp hài hoà giữa âm thanh với các bước nhảy nhún, di chuyển, xoay vòng, biến đổi nhanh thoăn thoắt, toát lên nét riêng biệt về cuộc sống bình dị, kiên cường của chính họ. Bên cạnh đó, văn nghệ quần chúng có những nét đặc sắc, bởi các tiết mục dàn dựng đơn giản nhưng rất mộc mạc, chân thật, toát lên sức sống mãnh liệt, khát vọng vươn lên của những con người vùng cao.

Để cổ vũ động viên các phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của huyện tiếp tục phát triển trong thời gian tới, cùng với công tác chỉ đạo các địa phương quan tâm giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống thì các xã, thị trấn còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tích cực luyện tập, tìm hiểu, khôi phục các nét văn hoá truyền thống bị mai một. 

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để các xã, thị trấn có thêm kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ, dàn dựng các tiết mục văn nghệ từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện, góp phần tích cực thu hút khách du lịch đến với địa phương. 

Châu Á

Tags Mù Cang Chải phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông hoa nở trên non cao La Pán Tẩn Ruộng bậc thang văn hóa truyền thống văn nghệ quần chúng

Các tin khác
Đua mô tô nước jeski trên hồ Thác Bà

Từ ngày 24/4 - 1/5, huyện Yên Bình sẽ tổ chức chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao “Âm vang hồ Thác Bà” và khởi động các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước năm 2024 đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân địa phương thực hiện nghi thức dâng hương miếu Ông, miếu Bà trong Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023

Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai hàng năm là nơi giao lưu, gặp gỡ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Hà Giang.

Các tiết mục văn nghệ mang đậm sắc màu văn hóa xứ Nghệ tại lễ hội.

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại buổi lễ.

Tối 17/4, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục