Nhiều năm về trước, trên bản đồ du lịch, Yên Bái chủ yếu được biết đến với sản phẩm du lịch cộng đồng (DLCĐ) của người Thái Mường Lò và người Mông Mù Cang Chải gắn với các sự kiện du lịch, lễ hội hàng năm: Mùa nước đổ, Festival Dù lượn, Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò và Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…
Lúc ấy, du khách từ khắp cả nước đã đổ về Yên Bái hàng trăm nghìn lượt mỗi năm. Với nhiều chính sách hỗ trợ của địa phương, sự nỗ lực của các hộ kinh doanh, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ DLCĐ ngày càng được nâng cao.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 200 hộ gia đình hoạt động DLCĐ. Ngoài cung cấp điểm lưu trú, các hộ kinh doanh còn kết hợp các chương trình văn hóa, văn nghệ bản sắc, ẩm thực truyền thống, bày bán các mặt hàng nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ của địa phương.
Với các hoạt động như vậy, DLCĐ thích hợp với khách thích phượt, người nước ngoài đến đây với mục đích được tìm hiểu những tập quán, thăm thú cảnh quan thiên nhiên và con người bản địa, tuy nhiên phần lớn khách chỉ tập trung khi tổ chức sự kiện du lịch.
Để bắt kịp xu thế du lịch chung của cả nước, vài năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái trên địa bàn tỉnh cũng dần phát triển mạnh với sự ra đời của hàng loạt khu nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư rót vốn của các doanh nghiệp lớn.
Các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được xây dựng ở các vị trí yên tĩnh, được bao bọc bởi thiên nhiên trong lành, được đầu tư có quy mô về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ chuyên nghiệp khép kín như: nhà hàng, khu vui chơi, ngắm cảnh, hệ thống bể bơi, chăm sóc sức khỏe sắc đẹp… cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm chân thực và độc đáo, thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài ngày.
Du lịch mạo hiểm cũng là một trong những sản phẩm du lịch được tỉnh tập trung phát triển, nhất là khi Đề án Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai thực hiện.
Theo đó, quan điểm phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù theo thứ tự ưu tiên: du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, DLCĐ.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ xây dựng 9 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù khu vực miền Tây gồm: các sản phẩm dã ngoại mạo hiểm, du lịch leo núi, thám hiểm hang động, sản phẩm du lịch dù lượn trên không, du lịch trượt cáp (zipline), thả bè (mảng), khám phá bằng xe mô tô (xe đạp), nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm tổng hợp, du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch bổ trợ và các sản phẩm du lịch khác.
Vấn đề an toàn du lịch mạo hiểm cũng được quan tâm thông qua việc đã và đang tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn trong du lịch mạo hiểm cho đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên và nhân viên kỹ thuật tại các khu du lịch mạo hiểm; xây dựng hệ thống cảnh báo và hướng dẫn cho du khách trước và trong chuyến tham quan du lịch mạo hiểm; xây dựng hệ thống trạm, bến bãi; trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, hợp lý và an toàn; xây dựng các phương án đảm bảo an toàn cho du khách và sơ cứu - cấp cứu trong các trường hợp khẩn cấp.
Rõ ràng, các sản phẩm du lịch như vậy sẽ đáp ứng được đa dạng mục đích, sở thích du lịch của các đối tượng từ khách quốc tế, khách nội địa cho đến các gia đình, thanh niên trẻ... Trong 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Yên Bái đã đón gần 200 nghìn lượt khách du lịch (tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021), doanh thu từ du lịch đạt trên 104 tỷ đồng.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái xác định sẽ phục hồi và phát triển lĩnh vực du lịch với mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách trong năm 2022. Bởi vậy, nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm, thu hút đầu tư có quy mô vào các điểm du lịch ngắm cảnh, tạo thêm nhiều sản phẩm mới mang nét đặc trưng theo hướng văn minh, văn hóa, chuyên nghiệp đang là một trong những chiến lược phát triển du lịch trong năm nay và những năm tiếp theo của tỉnh nhà.
Hoài Anh