Trong những năm gần đây, Mù Cang Chải là địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn được huyện lựa chọn làm "bàn đạp” để thoát nghèo. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác phát triển du lịch trên địa bàn, huyện đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, trong đó có mô hình trường học du lịch trong các nhà trường.
Xã Cao Phạ là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển du lịch, nhất là điểm bay dù lượn, hàng năm thu hút rất đông du khách tham gia trải nghiệm. Để góp phần xây dựng nền móng phát triển du lịch của địa phương, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Cao Phạ được chọn là một trong 7 trường tổ chức mô hình trường học du lịch.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch kịch bản phối hợp giữa giáo dục kiến thức theo chương trình phổ thông và bảo tồn gìn giữ, khai thác văn hóa, đặc biệt là một số kỹ năng cơ bản làm du lịch. Trường cũng đã thành lập các câu lạc bộ như: "Múa khèn”, "Em làm hướng dẫn viên”, "Thêu truyền thống”...
Em Thào A Tống chia sẻ: "Đến trường, em được học chữ và học cả cách giới thiệu cho khách du lịch về văn hóa, về địa danh của địa phương. Em rất thích!”.
Để thu hút, tạo sự hứng thú với việc làm du lịch cho học sinh, bên cạnh thành lập các câu lạc bộ, nhà trường còn chỉ đạo giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng các nội dung giảng dạy gắn với truyền thống, đời sống văn hóa của các dân tộc bản địa tại địa phương, vừa giúp các em có thêm kỹ năng sống, hiểu biết thêm văn hóa địa phương, vừa phát triển văn hóa đó thành sản phẩm du lịch ngay trong trường học. Nhà trường còn biên soạn bộ tài liệu giới thiệu hình ảnh xã Cao Phạ cũng như giới thiệu về trường, xây dựng khu trưng bày sản phẩm văn hóa như công cụ lao động, nhạc cụ... như một điểm tham quan.
Trường PTDTBT Tiểu học Cao Phạ chỉ là một trong số 7 trường được huyện Mù Cang Chải chọn xây dựng mô hình trường học du lịch. Các đơn vị còn lại được chọn đều đóng tại các địa bàn có nhiều lợi thế phát triển du lịch như: Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Lao Chải...
Để thực hiện chủ trương này, ngay từ đầu năm học các nhà trường đã làm tốt công tác quản lý cơ sở vật chất; tập trung vào hướng dẫn học sinh trồng các loại hoa, cây cảnh, làm vườn rau; thành lập CLB thêu, đan thổ cẩm, CLB các nhạc cụ dân tộc (khèn, sáo, kèn môi, nhị, kèn lá); tổ chức các trò chơi dân gian đánh cù, ném pao, đẩy gậy cũng như các chương trình văn hóa, văn nghệ mang bản sắc văn hóa các dân tộc.
Cùng với đó, 100% trường đã xây dựng các khu trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc như: trang phục, đạo cụ dân tộc, các sản phẩm nông nghiệp…(ở trạng thái tĩnh); cối giã gạo, cối xay, cọn nước… (ở trạng thái động). 100% số cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh đã tham gia thực hiện tốt mô hình.
Các trường đã tổ chức cho tất cả học sinh được tham gia mọi hoạt động trong việc xây dựng Mô hình "Trường học du lịch” với mục tiêu tất cả học sinh được rèn kỹ năng, được định hướng, được bồi dưỡng để trở thành hướng dẫn viên du lịch.
Đồng thời, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn trong và ngoài khu vực nhà trường, nhất là các địa điểm du lịch nổi tiếng như: đồi móng ngựa, rừng trúc, sống khủng long, đồi mâm xôi...
Đặc biệt, các nhà trường đều huy động được sự vào cuộc của phụ huynh học sinh, cũng như chính quyền địa phương bằng hình thức ủng hộ một số đạo cụ dân tộc (khèn, trang phục, công lao động...) phục vụ cho việc xây dựng và triển khai "Mô hình trường học du lịch” tại các đơn vị. Mời các nghệ nhân hướng dẫn cho học sinh cách chế tạo khèn, cách sử dụng, ý nghĩa của khèn Mông; truyền dạy các điệu múa cơ bản của đồng bào...
Việc triển khai Mô hình "Trường học du lịch” là tiền đề trang bị kiến thức làm du lịch cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng địa phương trở thành điểm du lịch xanh và là điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện.
Thanh Ba