Trong những năm qua, Mường Lò là điểm đến của du lịch văn hóa nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Hằng năm nơi đây đón hàng trăm nghìn lượt du khách, nhất là các dịp lễ hội, tết cổ truyền của người dân bản địa. Đa phần du khách tới Nghĩa Lộ bị thu hút bởi văn hóa của người Thái còn lưu giữ khá đậm nét ở đây.
Trong đó, Xòe Thái đã trở thành thương hiệu của du lịch văn hóa nơi đây. Người ta truyền tai rằng, không được xòe cùng các em gái Thái thì coi như chưa tới Mường Lò. Xòe Thái cùng với những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa vùng Mường Lò Nghĩa Lộ đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến với Yên Bái cùng với những cảnh sắc thiên nhiên, kiệt tác ruộng bậc thang Mù Cang Chải hay suối nước nóng Trạm Tấu, những ngọn núi cao vào bậc nhất của Việt Nam...
Hàng năm, vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã Nghĩa Lộ luôn tổ chức các hội thi xòe cấp cơ sở. Phong trào này góp phần thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia. Mỗi bản hình thành các đội xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản hướng dẫn tập luyện, tổ chức biểu diễn giao lưu.
Nhờ đó, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức thành công nhiều màn đại xòe kỷ lục, xác lập các kỷ lục Guiness Việt Nam. Nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng. Từ đó, thu hút du khách tới khám phá văn hóa vùng Mường Lò.
Cuối năm 2021, Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đây là sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Với chính quyền địa phương và nhân dân Mường Lò nói riêng, Yên Bái nói chung, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là cơ hội để tiếp tục bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, là cơ hội để phát triển du lịch địa phương lên một tầm cao mới.
Trong thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã rất quan tâm việc truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng. Thị xã xác định, gìn giữ và phát huy giá trị của truyền thống cũng là cách xây dựng nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: "Để Xòe Thái có được sức sống bền chặt và tỏa sáng trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, chính quyền và người dân thị xã Nghĩa Lộ sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của Xòe thông qua thực hiện quyền dạy bằng nhiều hình thức; tổ chức các cuộc thi trình diễn Xòe Thái, xây dựng các tiết mục trình diễn Xòe trong các chương trình hội diễn nghệ thuật quần chúng và đưa Xòe Thái trở thành thương hiệu riêng tại các lễ hội trong năm, đặc biệt là lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò tổ chức hàng năm”.
Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tại thị xã Nghĩa Lộ với màn đại xòe đoàn kết có sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, diễn viên quần chúng, cộng đồng người Thái đang nắm giữ, thực hành di sản này.
Đây được xem là sự kiện vinh danh sau khi xòe Thái được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và cũng chính là "đòn bẩy” thúc đẩy du lịch Yên Bái trở lại, nhất là sau thời gian dài bị "đóng băng” bởi đại dịch Covid-19.
Theo thống kê của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 119 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 106 di tích cấp tỉnh); có 714 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 4 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ cấp sắc của người Dao huyện Văn Yên; Nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ; Hạn khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của người Mông, huyện Mù Cang Chải.
Đặc biệt, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESSCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong những năm gần đây, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh được đẩy mạnh. Các giá trị văn hóa của các dân tộc (trang phục, kiến trúc, nhạc cụ, dân ca, dân vũ, lễ hội, nghề truyền thống…) được chú trọng khôi phục và phát huy.
Từ năm 2011- 2021, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh đã phối hợp tiến hành bảo tồn 50 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống của các dân tộc. Thế mới thấy, "vốn văn hóa di sản” dành cho công nghiệp du lịch của Yên Bái rất phong phú. Điều đó cũng đòi hỏi khai thác "nguồn vốn” di sản này hiệu quả và bền vững.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã đi đúng hướng khi phát huy lợi thế văn hóa truyền thống dân tộc trong đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương như Mường Lò - Nghĩa Lộ, văn hóa Mông tại Mù Cang Chải, hay các khu du lịch cộng đồng của đồng bào Tày, Dao vùng Đông hồ Thác Bà…
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất phát triển, du lịch sáng tạo trên nền tảng văn hóa được xem như một giải pháp, một hướng đi hữu hiệu để vượt qua được thách thức đặt ra. Mới đây, một đơn vị đã đưa vào thử nghiệm du lịch thông minh Yên Bái 360.
Đây là loại hình du lịch mới mẻ, cho phép người dùng ở tại chỗ, nhưng qua ứng dụng thực tế ảo vẫn như được trải nghiệm thực tế sống động tại các khu, điểm du lịch hấp dẫn của địa phương, như cánh đồng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ hay ruộng bậc thang Mù Cang Chải... Vì vậy, đã thu hút sự tham quan, trải nghiệm của người dân, du khách. Đó cũng là một giải pháp nhằm khai thác hiệu quả du lịch văn hóa.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra làm sao để hài hòa giữa di sản và du lịch, giữ bền theo thời gian cho đòn bẩy văn hóa. Đúng như nhiều chuyên gia nhận định, mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa chính là mối quan hệ tương hỗ.
Song, ngành du lịch, các địa phương, đơn vị khai thác không nên quá coi trọng việc thu hút thật nhiều số lượng du khách mà cần hướng tới việc đa dạng các hoạt động phục vụ, dịch vụ để làm sao đáp ứng tối đa các nhu cầu của du khách.
Một du khách được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn là nhiều du khách chỉ hưởng thụ một dịch vụ của di tích hay một di sản. Vì vậy, trước tiên là phải bảo tồn cho được cái "vốn” di sản đích thực của cha ông để lại, kiểm soát việc khai thác vụ lợi cá nhân, thời vụ mà ảnh hưởng đến tiến trình phát triển chung.
Cùng với đó phải chú ý đến quảng bá thương hiệu cho di sản làm sao để các thương hiệu du lịch mang tên Yên Bái hấp dẫn du khách, có những sản phẩm du lịch độc đáo mang nét văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Phát huy thế mạnh hơn nữa để làm "đòn bẩy” kinh tế du lịch trong tầm nhìn xa hơn nữa trong tiến trình hội nhập.
Thanh Ba