Du lịch sinh thái “hút” khách du lịch đến Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/10/2022 | 7:36:32 AM

YênBái - Những năm qua, cùng với việc xây dựng, đưa vào khai thác các dịch vụ du lịch gắn với Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang, huyện Mù Cang Chải đã quy hoạch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái từ nghỉ dưỡng đến tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên. Điều này đã tạo nên sức hút riêng, ấn tượng đặc biệt đối với du khách và góp phần đưa du lịch Mù Cang Chải phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải khảo sát tuyến đường lên đỉnh Lùng Cúng, xã Nậm Có năm 2021.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Mù Cang Chải khảo sát tuyến đường lên đỉnh Lùng Cúng, xã Nậm Có năm 2021.

Những ngày này, khu nghỉ dưỡng sinh thái Ecolodge ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt luôn kín phòng. Sau một ngày trải nghiệm các điểm du lịch ở Mù Cang Chải, nhiều du khách lựa chọn nơi đây để nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đậm bản sắc dân tộc. 

Ông Dương Văn Tuyên, một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Nơi đây nằm giữa cánh đồng, khí hậu trong lành, mát mẻ, rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, thư giãn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được tham gia các tuyến đi bộ khám phá đồi "Mâm xôi”, đồi "Móng ngựa” và tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương”. 

Được biết, khu nghỉ dưỡng Ecolodge Nậm Khắt đi vào hoạt động từ năm 2017 do Công ty Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đầu tư xây dựng. Với sự độc đáo về phong cách phục vụ, nghệ thuật trang trí hấp dẫn, thân thiện với môi trường thiên nhiên, Mu Cang Chai - Ecolodge đã thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng khá đông, đặc biệt là du khách vùng xuôi và khách quốc tế. 

Theo ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, ngoài Ecolodge Nậm Khắt, hiện nay trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có nhiều khu nghỉ dưỡng sinh thái đang được đầu tư, xây dựng. Nổi bật trong đó là Khu du lịch sinh thái Mù Cang Chải tại xã La Pán Tẩn và Chế Cu Nha. 

Dự án có quy mô 50 bungalow (trên 120 phòng) đa dạng hình thù, chất liệu xây dựng nằm rải rác trên diện tích 6,5 ha đất đồi đầy cây xanh. Điểm nhấn của khu du lịch là một nhà trung tâm rộng trên 3.000 m2 được làm từ 100% tre nhập khẩu cùng một số loại cây quý hiếm như: tử đằng, phượng tím… nhập khẩu trồng xen lẫn với những cây bản địa như tớ dày, đào, mai, mận…

Bên cạnh các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái tham quan, thu hút đông đảo người dân và du khách như: tìm hiểu bãi đá cổ Lao Chải, sống lưng khủng long, rừng thông, thác rồng Dế Xu Phình, rừng trúc Mồ Dề...

Chị Nguyễn Hạnh Trà My, đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi và nhóm bạn quyết định chinh phục đỉnh Lùng Cúng, xã Nậm Có, một trong những ngọn núi đẹp nhất Việt Nam với độ cao 2.925m. Hành trình leo núi nhiều gian nan, vất vả nhưng bù lại tôi được trải nghiệm, vượt lên chính mình để trải nghiệm đại dương mây, cánh rừng già, khu rừng tre trúc, những mỏm đá nhẵn thín như ru kẻ lữ hành”.

Theo thống kê, trong 8 tháng năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã đón trên 141.000 lượt du khách với doanh thu 104,66 tỷ đồng, đạt 67,5% kế hoạch. Riêng trong dịp nghỉ lễ 2/9, huyện đã đón 27.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Để tạo điểm nhấn cho các sản phẩm du lịch sinh thái, thời gian qua, huyện đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho các hộ dân làm du lịch về giao tiếp, ngoại ngữ, hướng dẫn du lịch… 

Tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn phát huy nghề thủ công truyền thống và phát triển các mặt hàng mang tính đặc trưng như: khèn, sáo, thổ cẩm, sơn tra, mật ong, thảo quả, rượu thóc La Pán Tẩn...; phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để cùng quảng bá sản phẩm du lịch của nhau, nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử huyện. 

Bên cạnh đó, huyện tranh thủ sự quan tâm của các cấp, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Trọng Khang, Mù Cang Chải có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tham quan. Hiện toàn huyện có 105 nhà nghỉ, homestay và 75 nhà hàng, quán ăn đáp ứng nhu cầu phục vụ trên 3.000 lượt du khách/ngày. 

Du khách ăn, ở cùng đồng bào, trải nghiệm những nét đặc sắc trong sinh hoạt, lao động sản xuất, làm các nghề truyền thống. Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú với loại hình du lịch này, họ phấn chấn, thích thú khi được tham gia hái sơn tra, thảo quả, gặt lúa, se lanh, dệt vải, nấu các món ăn dân tộc. 

Ngoài nghỉ dưỡng trong bầu không khí sạch, thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ, du khách còn có thể lựa chọn cho mình cách tham quan, trải nghiệm riêng, như đi bộ leo núi, đi tham quan thắng cảnh bằng xe đạp, xe máy, ôtô. 

Đặc biệt, huyện còn tổ chức chương trình văn nghệ quần chúng vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần tại sân vận động thị trấn, nhân dân và du khách cùng hát, cùng thổi - múa khèn, tạo nên "Đêm Mù Cang Chải" ấn tượng, khó quên.

Hùng Cường

Tags Mù Cang Chải du lịch sinh thái Ruộng bậc thang thổ cẩm sơn tra mật ong thảo quả homestay

Các tin khác
Vẻ đẹp huyền ảo của Hang Sơn Đoòng.

Trang du lịch Wonderslist vừa công bố 10 hang động tự nhiên kỳ vĩ nhất thế giới, trong đó hang Sơn Đoòng (thuộc Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam) đứng đầu danh sách này.

Tạo dáng bên thảm hoa chi pâu.

Ít ai biết rằng vào tháng 10, ở Yên Bái còn có một loại hoa đẹp vô cùng nữa cũng vào mùa nở rộ. Đó là loài hoa với cái tên đặc biệt - hoa chi pâu.

Người dân Thái Lan đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang thúc đẩy các đề xuất liên quan một dự án kích cầu du lịch trị giá 1 tỷ baht (270 triệu USD), kiến nghị cho phép các địa điểm giải trí được mở cửa đến 4 giờ sáng.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau 4 năm Lễ hội cà phê mới được tổ chức trở lại.

Quảng bá, khởi động cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 dự kiến được tổ chức vào tháng 3 năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã phát động cuộc thi video clip với chủ đề “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục