Thức dậy đi "Suối nguồn tươi trẻ"

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/2/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ năm 2005, ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đã liên kết tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn. Trong hành trình đó, có một điểm đến được nhiều du khách rất thích thú, đó là suối khoáng nóng bản Hốc (xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn).

Tắm suối nước nóng ở bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Nguyễn Giang).
Tắm suối nước nóng ở bản Hốc, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. (Ảnh: Nguyễn Giang).

Ấn tượng bản Hốc

Bản Hốc nằm kề bên quốc lộ 37, cách thành phố Yên Bái gần 70km về phía Tây, với diện tích tự nhiên 65 ha, có 530 nhân khẩu, 86% là người Thái Đen (Tay Đăm) định cư lâu đời từ khoảng thế kỷ XI-XII. Nằm giữa một quần thể thiên nhiên tươi đẹp và thanh bình, bản Hốc như một thiếu nữ Tây Bắc thuần hậu luôn đem niềm vui và sức sống cho mọi người. Phía tây là dãy núi đá vôi án ngữ có nhiều hang động, phía nam là hợp lưu hai dòng suối nước lạnh: một từ Thác Hoa, một từ Thác Vác chảy xuống thành suối Cửa Nhì, phía đông là dãy núi cao Suối Giàng vời vợi… Tạm xa phố phường ồn ào, đắm mình vào không gian xanh êm đềm, thấp thoáng bóng áo cỏm của thiếu nữ Thái, ngắm những ngôi nhà sàn bên những rặng nhãn sum suê, đây đó lách cách tiếng thoi đưa bạn sẽ thấy bản Hốc đem đến một cái gì thật dễ chịu. Đặc biệt, khi ngâm mình trong bồn nước khoáng nóng hổi, bạn mới cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây. Trong vùng từ lâu vẫn lưu truyền một giai thoại về sự tích suối nước nóng bản Hốc: "Thuở xa xưa, Ma Long Vương vốn là một con Thuồng Luồng của đất Mường Bảnh (xã Đồng Khê - Văn Chấn) vốn tính nóng như lửa. Biết ngòi Nhì đoạn chảy qua bản Hốc lắm cá tôm, nảy sinh lòng tham bèn hùng hổ đến chiếm. Ma Long Vương ngòi Nhì của đất Sơn Thịnh không chịu. Cuộc chiến long trời lở đất xảy ra, sau mấy ngày đêm giao tranh dữ dội, Ma Long Vương Mường Bảnh thua trận, không kịp chạy về, phải lặn sâu xuống đáy nước trốn, từ đó đoạn bản Hốc nước nóng rát, sủi sùng sục. Đó là hơi thở dữ dội của kẻ bại trận…".

 

Chỉ dừng chân nơi đây một vài ngày, bạn sẽ khám phá nhiều nét đặc sắc của văn hóa Thái. Đó là những điệu dân vũ nồng say như múa xòe, múa sạp, múa nón… Bạn sẽ thấy người dân nơi đây sống thuần phác và trẻ trung yêu đời. Buổi tối, bên bếp lửa nhà sàn, ăn cơm lam với cá suối nướng, rêu suối nướng, bát canh rau rừng mát lành, mỗi lần nâng chén, chủ nhà lại cất tiếng hát mời rượu (khắp mơi lẩu) khiến bạn không thể từ chối. Ngoài sân, trẻ nhỏ nô đùa, hát những bài đồng dao dân tộc Thái vui nhộn, ngộ nghĩnh. Về khuya, các cụ già hát cho bạn nghe thiên tình sử bất hủ của người Thái Đen "Tiễn dặn người yêu" (Xống chụ xôn xao) hoặc kể về những huyền tích dân gian như "Bố khổng lồ" (Ải lậc cậc), "Cô chị cô em" (Ý ưởi, ý noọng), rồi chuyện ông Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, hay tướng quân Nguyễn Quang Bích lãnh đạo nhân dân chống Pháp sục sôi… Ở bản Hốc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tổ chức khá thường xuyên, những nét văn hóa truyền thống được các nghệ nhân lưu giữ và truyền bá, có sân vận động 2000m2 và điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ 500m2. Con gái trong bản đều thành thạo quay xa, dệt vải, nam nữ đều rất giỏi múa hát và chơi những trò chơi dân gian. Môi trường văn hóa của địa bàn lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đường vào suối đã dễ đi hơn, đã có nhà tắm công cộng, nhà mát-xa xông hơi. Từ những năm qua, điểm du lịch bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn tiến hành khảo sát, xây dựng thành khu bảo tồn văn hóa với đặc thù bản của người Thái Đen ở Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, các thuần phong mĩ tục, ẩm thực, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, y học dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được chú ý khôi phục và bảo lưu tôn tạo.

 

Đánh thức những tiềm năng của bản Hốc

 

Đa số dân bản Hốc hiện nay vẫn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, số hộ giàu trên 5%, số hộ nghèo còn 12%, họ chưa có điều kiện tham gia vào các hoạt động du lịch có tính chuyên nghiệp để cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Để bản Hốc trở thành một khu du lịch sinh thái bền vững thì bên cạnh những việc đã làm được, cần tiếp tục có kế hoạch tổng thể và dài hơi. Từ các cấp, các ngành liên quan đến địa phương và từng người dân cần có một tư duy kinh tế mới về lĩnh vực khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Kế hoạch tốt hứa hẹn thành công sẽ thu hút các nhà đầu tư làm "bà đỡ" cho kế hoạch xây dựng tôn tạo. Đường vào hiện nay chưa thật tốt, hai nhà tắm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, chất lượng phục vụ cần được nâng lên, các dịch vụ khác và điều kiện lưu trú của khách còn nhiều bất cập. Với mặt bằng cho phép có thể xây dựng nhiều điểm tắm như: bể cá nhân, bể bơi nước nóng tập thể, chỗ ngâm chân, tắm nước nóng kết hợp thủy trị liệu, tắm nước lá thuốc chữa bệnh… (ở bản Hốc hầu như ai cũng biết lấy thuốc nam, một số người còn giữ được nhiều bài thuốc gia truyền có giá trị). Phối hợp tắm với thư giãn vui chơi, nghỉ dưỡng: xây dựng khu thể thao cầu lông, quần vợt và có thể tổ chức các loại hình du lịch khác như lễ hội, ẩm thực, dã ngoại leo núi, bơi thuyền… đem đến cho khách những ngày nghỉ bổ ích, vui tươi.

 

Trong quá trình đó, các nhà hoạch định và nhà đầu tư không thể quên một điều: khai thác đi đôi với giữ gìn bảo tồn. Phát huy mọi tiềm năng thiên nhiên ban tặng nhưng thân thiện với môi trường bản địa. Không can thiệp thô bạo hay làm biến dạng những nét đẹp vốn có của thiên nhiên để mọi người đến với suối khoáng bản Hốc là tìm đến với thiên nhiên Tây Bắc tươi xanh hào phóng, tìm về sự thư giãn, an dưỡng, chữa bệnh… để di dưỡng tinh thần và hồi phục thể chất sau những ngày lao động, công tác, học tập hết mình.

 

Khắp miền Tây Bắc bao la và hùng vĩ, nhiều bản Thái có thể trở thành nơi tham quan du lịch sinh thái, văn hóa song được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước suối khoáng nóng như bản Hốc chỉ có vài nơi. Địa thế bằng phẳng lại cách quốc lộ 37 chỉ có vài trăm mét, thật là một lợi thế hiếm có để phát triển du lịch. Bạn thử hình dung sau khi du ngoạn qua gần 70km từ Yên Bái vào, được đặt chân tới bản Hốc tươi đẹp mến khách, khu du lịch sinh thái đón bạn với vẻ đẹp "thanh sơn, bích thủy" vừa truyền thống vừa hiện đại, tôi tin bạn sẽ hài lòng và còn muốn quay lại nhiều lần.

 

Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu du lịch thì hiện tại bản Hốc vẫn như một "nàng công chúa ngủ trong rừng" cần có tình yêu đích thực của mọi người để đánh thức nàng dậy bởi nàng chính là "suối nguồn tươi trẻ".

 

Dương Hiền Nga

 

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Sáng 16/5, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến của các cơ quan, đơn vị về thúc đẩy phát triển du lịch thị xã.

Nghi thức tế lễ tại Lễ hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán

Thành phố Yên Bái là nơi chứa đựng nhiều di tích văn hóa tâm linh có từ nhiều thế kỷ với tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nhiều lễ hội, nghi lễ và lễ tục đẹp, góp phần tạo điểm nhấn bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới đây.

Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức vào đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay. Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây quy mô cấp vùng được tổ chức tại Tiền Giang.

Ghềnh Đá Đĩa - địa điểm du lịch Phú Yên nhất định phải đến một lần

Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam, TikTok Việt Nam sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình thực tế “Nét đẹp Việt mùa 2”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục