Dự Hội nghị có các chuyên gia Ngân hàng Châu Á (ADB); các đơn vị lữ hành ở Yên Bái, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn có tiềm năng phát triển du lịch; doanh nghiệp du lịch địa phương (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng); các hợp tác xã và các tổ hợp tác du lịch trên địa bàn; một số hộ kinh doanh du lịch homestay; một số nhà đầu tư tiềm năng…
Đề án phát triển du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch huyện Văn Yên giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động số 10 của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU/ 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trên cơ sở Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật Nâng cao năng lực thể chế để thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (TA 6776-VIE)” do ADB tài trợ; Công văn số 2899 ngày 31/8/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về việc công tác triển khai dự án hỗ trợ phát triển du lịch xanh tỉnh Yên Bái do ADB tài trợ.
Theo dự thảo, Đề án được triển khai trên địa bàn toàn huyện Văn Yên, tập trung trọng điểm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (xã Nà Hẩu); các xã: Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Đông Cuông, Ngòi A và thị trấn Mậu A.
Đề án cũng chỉ ra rất nhiều tiềm năng du lịch về phong cảnh, văn hoá của Văn Yên.
Như vậy, với tiềm năng du lịch của mình, dư địa phát triển du lịch của Văn Yên còn rất nhiều. Mục tiêu Đề án nhằm phát triển Văn Yên trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn, điểm lý tưởng cho những kỳ nghỉ thư thái, an nhiên và chữa lành kết hợp với các giá trị văn hóa tinh thần hành hương về cội nguồn, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện từ năm 2030.
Đề án sẽ phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn, chất lượng, khác biệt và bền vững; phát triển khu công viên đá và vườn dương xỉ cổ đại với điểm săn mây thành điểm tham quan, check in chụp ảnh có sức hút du lịch cao; thúc đẩy đầu tư 1 mô hìnhkhoáng nóng chất lượng cao gắn với vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương và thân thiện với môi trường tại bản Cao Sơn, xã Phong Dụ Thượng.
Cùng đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại các điểm du lịch hiện tại; phát triển thêm nhiều điểm du lịch vệ tinh mới hấp dẫn kết nối điểm chính (du lịch cộng đồng ở xã Phong Dụ Thượng và lòng hồ thủy điện Ngòi Hút 1, khu Gió Bầu, Lòng hồ thủy điện Đồng Sung và rừng quế cổ thụ); phát triển 4 mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu; cải thiện năng lực cung ứng nơi nghỉ cho khách du lịch; nâng thời gian lưu trú của khách tại điểm; tạo 2.800 việc làm đến năm 2025 và 5.158 việc làm đến năm 2030 (gồm việc làm trực tiếp và gián tiếp); xây dựng 10 tuyến điểm du lịch nội huyện, 5 tuyến du lịch nội tỉnh, 3 tuyến du lịch liên tỉnh…
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 dự kiến đón 500 ngàn lượt khách (tốc độ tăng bình quân đạt 11,8%/năm trong giai đoạn 2024-2025); doanh thu du lịch năm 2025 ước đạt 300 tỷ đồng và đến 2030 ước đạt 1.347 tỷ đồng…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, lãnh đạọ huyện cho ý kiến về xây dựng Đề án từng năm và giai đoạn, quy hoạch của Đề án, nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, của tỉnh, ngân sách huyện, nguồn lực xã hội hóa để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch … để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Đề án.
Khánh Chi - Lan Hanh (Trung tâm TT-VH Văn Yên)