Đến hết 31/12/2023, toàn tỉnh đã thực hiện được 6/11 chính sách tại Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh, phê duyệt hỗ trợ 270 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị thụ hưởng các chính sách với tổng kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng.
Để Nghị quyết số 10 được triển khai đồng bộ, hiệu quả, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể triển khai các chính sách tại Nghị quyết; đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chính sách này để các tổ chức, cá nhân đăng ký thụ hưởng.
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ về phát triển du lịch, trong đó có các nội dung chỉ đạo chi tiết về rà soát, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hỗ trợ để làm hồ sơ đăng ký thụ hưởng chính sách; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định hồ sơ chặt chẽ, đúng quy định và hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Cùng đó, tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc" với các sản phẩm chủ đạo như: du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí; du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...) ở 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; miền Tây của tỉnh và vùng Bắc Trấn Yên - Văn Yên.
Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được
50 tour du lịch để phục vụ du khách, trong đó có trên 5 tour phục vụ khách quốc tế. Tỉnh đã triển khai liên kết xây dựng được các tour, tuyến phục vụ khách liên kết các địa phương của Yên Bái với các địa phương ngoài tỉnh; kết nối được với các công ty lữ hành ngoài tỉnh và quốc tế đến khảo sát, khai thác thị trường du lịch Yên Bái; ký kết hợp tác với các vùng du lịch ven biển và các trung tâm du lịch quốc gia…
Song song với đó, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng đã được tỉnh quan tâm đầu tư cả về kinh phí, phương thức tổ chức và được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Do đó, đã huy động được sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, có nhiều thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và người dân đã tích cực tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch tại địa phương. Hiện tại, lượng khách du lịch đến Yên Bái và doanh thu từ dịch vụ du lịch của tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước. Qua đó không chỉ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Yên Bái đã đón khoảng trên 1,3 triệu lượt khách, bằng 78% kế hoạch, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, khách quốc tế đạt 170.700 lượt khách, bằng 56,9% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.075 tỷ đồng, bằng 71,7% kế hoạch, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi đến với Yên Bái, tôi đã rất ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên và con người nơi đây. Vẻ đẹp của ruộng bậc thang Mù Cang Chải cũng như sóng nước trong xanh trên hồ Thác Bà đã thực sự khiến tôi mê đắm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội được trở lại Yên Bái để tiếp tục khám phá những địa điểm du lịch mới cũng như thưởng thức những món ăn ngon của đồng bào các dân tộc trong tỉnh”.
Với mục tiêu đưa du lịch Yên Bái tiếp tục bứt phá, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các chính sách để có kiến nghị, đề xuất với HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế.
Đồng thời, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc để đầu tư vào các dự án có quy mô lớn như: hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; có giải pháp ưu tiên đột phá mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc, thương hiệu, dấu ấn riêng của từng địa phương.
Hồng Oanh