Nà Hẩu “thức giấc” cùng du lịch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2025 | 11:12:25 AM

YênBái - Xã Nà Hẩu nằm nép mình giữa những dãy núi trùng điệp của huyện Văn Yên, nơi những cánh rừng nguyên sinh trải dài với hệ thống động thực vật phong phú. Những bản làng người Mông nơi đây đang từng ngày "thay da đổi thịt" nhờ người dân đã biết tận dùng tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nâng cao đời sống.

Đồng bào Mông ở Nà Hẩu luyện tập điệu múa Sênh tiền để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đồng bào Mông ở Nà Hẩu luyện tập điệu múa Sênh tiền để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nếu như trước đây, Nà Hẩu nghèo khó với những con đường đất lầy lội, những nếp nhà xơ xác thì giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới, tràn đầy sức sống của xã nông thôn mới. Những con đường bê tông trải dài chạy vào các làng bản, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp. 

Anh Sùng A Dơ – chủ homestay Ninh Dơ ở thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu cho biết: "Trước đây gia đình chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, cuộc sống khó khăn lắm. Từ khi được cán bộ xã tuyên truyền, tôi đã bàn với vợ mở homestay làm du lịch. Ngoài ra tôi cũng bày bán thêm các sản phẩm lưu  niệm, cho thuê trang phục truyền thống của người Mông… Từ đó giúp thu nhập ổn định hơn, có tiền để sửa nhà, mua sắm đồ dùng, cho con cái ăn học đàng hoàng”. 

Giờ đây, nhiều hộ gia đình ở Nà Hẩu đã mạnh dạn đầu tư mở homestay, đón khách du lịch đến nghỉ ngơi, trải nghiệm. Những sản phẩm thủ công truyền thống như: Vải thổ cẩm, đồ trang sức bạc, nhạc cụ dân tộc... đã trở thành những món quà lưu niệm độc đáo, được du khách ưa chuộng. Ông Sùng A Sà – Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên khẳng định: "Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Mông ở Nà Hẩu. Những lễ cúng, những điệu múa khèn, những bộ trang phục truyền thống... được gìn giữ và trình diễn một cách sống động, thu hút sự quan tâm của du khách. Trên địa bàn xã Nà Hẩu hiện có khoảng 10 homestay khang trang, sẵn sàng đón tiếp trên 200 lượt du khách mỗi ngày, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”. 

Đến với Nà Hẩu, du khách sẽ được đắm chìm vào Khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái phong phú, đa dạng với những khu rừng nguyên sinh, thác nước hùng vĩ, hang động kỳ bí và chiêm ngưỡng những loài động thực vật quý hiếm. Cùng với đó du khách còn được trải nghiệm những hoạt động du lịch cộng đồng thú vị như: Tham quan mô hình rèn cơ khí truyền thống của người Mông, chiêm ngưỡng những sản phẩm thêu thùa thổ cẩm tinh xảo, tham gia hoạt động bắt ốc, thưởng thức những món ăn dân dã mang đậm hương vị núi rừng...

Chị Nguyễn Thị Hồng - du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi rất ấn tượng với vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ của núi rừng Nà Hẩu. Người dân ở đây cũng rất thân thiện và mến khách, hỗ trợ du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật rất thú vị. Tôi nghĩ đây là điểm đến lý tưởng dành cho những ai đam mê khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ từ thiên nhiên”.

Xác định du lịch là cơ hội để giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông địa phương đến du khách, UBND xã Nà Hẩu luôn khuyến khích người dân gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Đặc biệt, xã luôn quan tâm nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường. Mỗi người dân ở Nà Hẩu giờ đây đều hiểu rằng, thiên nhiên là tài sản quý giá, là nguồn sống của mình. Vì vậy, họ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây, dọn dẹp vệ sinh, không xả rác bừa bãi... UBND xã cũng đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với mong muốn Nà Hẩu sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện. 

Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu Sùng A Sà cho biết thêm: "Năm 2024, Nà Hẩu đã thu hút được gần 30 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hết năm 2024 giảm còn 9,29%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng. Đây chính là động lực, điểm tựa để Nà Hẩu tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của xã. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới ở địa phương”.

Thu Trang

Tags Nà Hẩu du lịch thức giấc phát triển nông thôn mới Tết rừng Văn Yên

Các tin khác
Chị Đinh Thị Đương có sáng kiến khôi phục Lễ hội Mùa đông của người Mường, xã Phúc Sơn để thúc đẩy du lịch địa phương.

Phúc Sơn là xã xa nhất và khó khăn nhất của thị xã Nghĩa Lộ. Địa hình phức tạp với núi non trùng điệp, thung lũng hẹp và hệ thống suối chằng chịt, nhiều người xem đây là trở ngại phát triển, nhưng Đinh Thị Đương - cô gái dân tộc Mường lại nhìn thấy tiềm năng du lịch trải nghiệm và quyết tâm khai thác thế mạnh này, mở ra hướng đi mới cho du lịch địa phương.

Múa khèn trong Lễ hội

Lễ hội “Gầu Tào” có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với không gian trọng điểm thuộc địa bàn huyện Trạm Tấu. Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2318 công nhận lễ hội “Gầu Tào” của người Mông các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội “Gầu Tào” sẽ được tổ chức trong hai ngày 14-15/2 tại Sân vận động huyện Trạm Tấu.

Lễ hội Gầu tào được huyện Trạm Tấu tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Mùa lễ hội xuân 2025 đang diễn ra nhộn nhịp ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội để các địa phương và ngành văn hóa quảng bá các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Du khách check-in trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Trạm Tấu những năm gần đây đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong nước cũng như du khách quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với tài nguyên khoáng nóng tự nhiên, sự đa dạng văn hóa và những hoạt động du lịch phong phú. Sự sáng tạo và đột phá trong phát triển du lịch của huyện không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục