Giữa những ngày giá rét đầu năm 2025, tại Muonglo Farmstay đã diễn ra Lễ hội Mùa đông - một sự kiện văn hóa đặc sắc tái hiện hoạt động bắt cá vụ đông của đồng bào dân tộc Mường. Tại Lễ hội, du khách trong nước và quốc tế không chỉ được tham quan không gian văn hóa độc đáo của Muonglo Farmstay mà còn trực tiếp tham gia trải nghiệm chế biến mâm cỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, thưởng thức những món ăn dân tộc do các nghệ nhân chế biến, giao lưu văn nghệ và khám phá nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Mường. Điểm nhấn của Lễ hội là màn tái hiện sinh động hoạt động bắt cá vụ đông đã mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực và ấn tượng về nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.
Bà Hà Thị Liên - người dân xã Phúc Sơn chia sẻ: Từ xa xưa, Lễ hội bắt cá vụ đông đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người Mường. Vào thời điểm cuối năm, các dòng suối, ao, ruộng trong bản làng sẽ trở thành địa điểm tổ chức lễ hội. Người dân chuẩn bị sẵn nơm, rọ, vợt bắt cá để cùng nhau tham gia. Không chỉ thể hiện sự biết ơn đối với thiên nhiên, lễ hội còn là dịp để các gia đình sum vầy, chia sẻ kinh nghiệm lao động sản xuất, thắt chặt tình đoàn kết và gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc.
Anh Hà Văn Thịnh - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi đã nhiều lần đến với Mường Lò để du lịch, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng của người Mường. Việc Muonglo Farmstay tổ chức Lễ hội bắt cá mùa đông không chỉ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị mà còn góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa gắn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững của địa phương”.
Trong 5 năm trở lại đây, khi các mô hình homestay tại các bản làng dân tộc Thái trở nên phổ biến và dần bão hòa thì MuongLo Farmstay của chị Đinh Thị Đương tại xã Phúc Sơn lại nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Đây là mô hình du lịch nông trại nghỉ dưỡng độc đáo với những ngôi nhà sàn bằng gỗ mang đậm nét kiến trúc vùng cao Tây Bắc.
Không chỉ vậy, MuongLo Farmstay còn được đầu tư bài bản với không gian xanh mát, ao cá, vườn cây tạo nên sự hài hòa giữa thiên nhiên và đời sống của đồng bào dân tộc Mường, mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thực, yên bình và đậm bản sắc văn hóa địa phương. Một trong những yếu tố thu hút du khách đến với khu du lịch Homestay của gia đình chị Đinh Thị Đương chính là sự khác lạ, gợi lên niềm hứng thú khám phá văn hóa truyền thống của vùng Mường Lò.
Với khởi đầu mang cái tên mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa - "Homestay và Ẩm thực bếp Mường” đã mang đến cho du khách không gian đậm chất bản Mường, giúp họ cảm nhận rõ nét những giá trị văn hóa độc đáo. Từ kiến trúc nhà ở đặc trưng, nếp sinh hoạt văn hóa thường nhật đến các tín ngưỡng, lễ hội dân gian vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, tất cả đều tạo nên một bức tranh sinh động về đời sống của người Mường, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Đúng như tên gọi "Homestay và Ẩm thực bếp Mường” - nơi đây không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng mà còn mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo của người Mường.
Chị Đương - chủ khu du lịch với niềm đam mê gìn giữ nét đẹp truyền thống tự tay vào bếp, chế biến và giới thiệu những sản vật tươi ngon của vùng đất Phúc Sơn ngay trên mâm cơm ấm cúng. Màu xanh của rau rừng, vị thanh mát của măng, hương thơm của cá suối, gà thả vườn… tất cả hòa quyện tạo nên hương vị chân quê mộc mạc mà đậm đà. Đặc biệt, du khách không chỉ được thưởng thức mà còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm, tự tay chế biến những món ăn dân dã, đặc trưng của người Mường, để rồi thêm trân quý sự tinh tế trong từng hương vị và nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.
Chị Đương chia sẻ: "Phúc Sơn là vùng đất giàu bản sắc với kiến trúc, lễ hội và sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Mường. Bản Lụ 1, Bản Lụ 2 có trên 300 hộ, chủ yếu là người Mường, sống giữa cảnh quan hài hòa, khí hậu trong lành. Thiên nhiên nơi đây đổi sắc theo mùa, tạo nên sức hút đặc biệt, ngày càng được du khách biết đến”. Hiện nay, mô hình Homestay của gia đình chị Đương đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều đoàn khách trong hành trình khám phá miền Tây Yên Bái. Sự độc đáo trong cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống, kết hợp với dịch vụ chu đáo đã giúp Homestay thu hút sự quan tâm của nhiều công ty lữ hành. Một số đơn vị du lịch đã đến khảo sát, tư vấn nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững mô hình này.
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, xã Phúc Sơn đã thành lập Đội văn nghệ Bản Lụ chuyên biểu diễn những điệu múa truyền thống phục vụ du khách tại các homestay cũng như tham gia các chương trình lễ hội, giao lưu văn hóa trên địa bàn. Cộng đồng dân tộc Mường nơi đây vẫn giữ được bản sắc riêng với những hoạt động văn hóa đặc trưng suốt bốn mùa trong năm. Đặc biệt, Lễ hội mùa đông năm nay lần đầu tiên được tổ chức đã tái hiện sinh động phong tục bắt cá trên ruộng - một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Mường, đồng thời là cơ hội để quảng bá du lịch địa phương.
Du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống qua tiết mục múa của các cô gái Mường tại khu du lịch MuongLo Farmstay.
Theo ông Đào Ngọc Tuân - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, là một trong 7 xã của huyện Văn Chấn sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ từ năm 2020, Phúc Sơn sở hữu vị trí địa lý quan trọng, tiếp giáp nhiều xã thuộc Trạm Tấu và Văn Chấn. Với diện tích trên 1.209 ha, phần lớn là đất nông nghiệp, xã có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp. Đây là vùng giao thoa văn hóa giữa 2 dân tộc Thái và Mường thể hiện qua nếp sống gắn bó với thiên nhiên, phong tục độc đáo, kiến trúc nhà sàn, ẩm thực và các lễ hội truyền thống.
Địa hình đồi núi trùng điệp đan xen thung lũng hẹp cùng hệ thống khe suối như suối Thia, suối Nậm Cò Noòng tạo nên cảnh quan hoang sơ, kỳ vĩ. Nhờ lợi thế thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng, Phúc Sơn đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du lịch sinh thái và trải nghiệm. Xã đang triển khai kế hoạch phát triển du lịch với mục tiêu đưa địa phương trở thành điểm đến mới hấp dẫn của thị xã Nghĩa Lộ.
Theo đó, Phúc Sơn đã đề xuất với thị xã và các cấp, ngành liên quan về các nội dung trọng tâm nhằm thúc đẩy du lịch, trong đó có việc hỗ trợ 5 hộ gia đình đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Bản Lụ 1 và Bản Lụ 2. "Ngay từ đầu năm 2025, MuongLo Farmstay đã tổ chức Lễ hội mùa đông của người Mường - một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Mô hình du lịch mà chị Đương đang phát triển không chỉ hướng đến việc tạo dấu ấn riêng biệt mà còn gắn kết các hộ dân trong bản, giúp mọi gia đình cùng hưởng lợi từ hoạt động du lịch, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và gìn giữ giá trị truyền thống” - Chủ tịch xã Đào Ngọc Tuân khẳng định.
MuongLo Farmstay - từ hương vị nếp thơm, tiếng trống, tiếng chiêng vang vọng đến những điệu múa uyển chuyển, tất cả hòa quyện tạo nên một bức tranh sống động về bản sắc miền Tây Yên Bái. Tin rằng, với tâm huyết và tình yêu quê hương, cô gái Mường Đình Thị Đương sẽ tiếp tục đưa mô hình này vươn xa, trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ, góp phần lan tỏa danh tiếng vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò, thị xã văn hóa, du lịch đầy tiềm năng.
Ngọc Sơn