Nà Hẩu rộn ràng đón Tết rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2025 | 9:13:44 AM

YênBái - Mỗi độ xuân về, núi rừng Nà Hẩu, Văn Yên lại bừng sức sống, cũng là lúc bà con dân tộc Mông nơi đây tưng bừng tổ chức lễ cúng rừng, hay còn gọi là “Tết rừng Nà Hẩu”. Đây là dịp để tưởng nhớ cội nguồn, tạ ơn thần rừng, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào.

Những cô gái Mông ở Nà Hẩu luyện tập văn nghệ chuẩn bị cho Lễ hội Tết rừng.
Những cô gái Mông ở Nà Hẩu luyện tập văn nghệ chuẩn bị cho Lễ hội Tết rừng.


Những ngày này, người dân xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên đang tất bật chuẩn bị cho lễ cúng rừng năm 2025. Trong căn nhà nhỏ, thầy cúng Sùng A Sềnh với bộ trang phục truyền thống đang cẩn thận chuẩn bị tiền giấy cho nghi lễ. Thầy cúng Sùng A Sềnh, thôn Trung Tâm cho biết: "Công đoạn chuẩn bị tiền giấy lễ này vô cùng quan trọng. Theo quan niệm của người Mông, những đồng tiền này sẽ được đốt trong lễ cúng, gửi tới thế giới tâm linh để cầu mong các vị thần ban phước, phù hộ cho dân làng một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu”.

Công tác chuẩn bị cho lễ cúng rừng đã được người Mông nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu bắt đầu chuẩn bị từ ngay những ngày đầu tháng Giêng năm Ất Tỵ. Người dân lựa chọn những con gà, con lợn khoẻ mạnh, chuẩn bị các món ăn truyền thống làm lễ vật để dâng lên thần rừng. Khu rừng thiêng - nơi diễn ra nghi lễ chính cũng được người dân dọn dẹp, dựng ban thờ lại gốc cây táu cổ thụ. Các nghi thức chính của lễ cúng rừng bao gồm: Cúng rừng, hội thề giữ rừng, ăn tết rừng, cùng nhiều hoạt động thi đấu, biểu diễn trò chơi dân gian, dân ca, dân vũ. 


Thầy cúng chuẩn bị tiền giấy cho nghi lễ cúng rừng.

Ông Giàng A Quang ở thôn Trung tâm, xã Nà Hẩu chia sẻ: "Tết rừng đã tạo cho bà con nhân dân sự đoàn kết trong công tác bảo vệ rừng, chủ động triển khai các biện pháp cấm chặt phá cây rừng, tự giác bảo vệ rừng. Việc bảo vệ tốt rừng cũng giúp bà con có thu nhập từ rừng, như là từ việc trồng cây dược liệu để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Sau lễ cúng rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo… Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn tết rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Được biết, Nà Hẩu là xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Rừng tự nhiên đặc dụng chiếm trên 4.500 ha trong tổng diện tích hơn 5.600 ha của xã. Rừng như mái nhà chung của hơn 500 hộ người Mông với trên 2.500 nhân khẩu. Trải qua hàng trăm năm sống gắn bó với rừng, đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã đặt ra những quy định bất di bất dịch về bảo vệ rừng, trong đó có Lễ cúng rừng.  

Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: "Rừng vừa chở che cho dân bản trước thiên tai, vừa mang lại sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Rừng từ lâu đã trở thành chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Việc cúng rừng là để cầu mong các vị thần ban cho con người sức khỏe, mùa màng bội thu. Từ sự tôn trọng thiên nhiên, các quy ước, hương ước và luật tục giữ rừng đã được các thế hệ người Mông ở Nà Hẩu đề ra và cùng nhau thực hiện. Nhờ tập quán giữ rừng đặc biệt của người dân, kết hợp với công tác quản lý, bảo vệ rừng của ngành chức năng, rừng Nà Hẩu luôn xanh tốt, trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại động vật quý hiếm và nhiều loại gỗ quý”.

Với những giá trị và ý nghĩa quan trọng, tháng 12/2024, Lễ cúng rừng Nà Hẩu đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Huyện đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Lễ cúng rừng của dân tộc Mông xã Nà Hẩu đến năm 2030. Cùng với đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá Lễ hội, đồng thời lồng ghép tổ chức Lễ hội gắn với các hoạt động truyên truyền về bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Huyện cũng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc Mông phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình”.

Lễ cúng rừng hay tết rừng đã trở thành một tập quán lâu đời để người Mông xã Nà Hẩu nhớ về cội nguồn. Đó là một nét đẹp văn hoá hết sức đáng trân trọng của những người dân sống nơi đại ngàn xanh Nà Hẩu, góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học trên địa bàn huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Thu Trang

Tags Nà Hẩu rộn ràng Tết rừng cúng rừng Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia

Các tin khác
Hàng nghìn khán giả sẽ được chứng kiến những màn pháo hoa đỉnh cao đến từ 10 đội thi tại DIFF 2025.

Với số lượng từ 8 đội thi lên 10 đội tranh tài tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, DIFF 2025 hứa hẹn sẽ là mùa pháo hoa kịch tính nhất với sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu đến từ những “cái nôi” pháo hoa của thế giới.

Rừng cây chân chim đổi màu lá đỏ khoảng đầu tháng 2.

Tà Năng - Phan Dũng, Bidoup Núi Bà, đồi 1600 là gợi ý cho hành trình 2-3 ngày chinh phục những đỉnh núi miền Nam dịp đầu năm.

Cứ vào mùng 9 tháng Giêng, tại Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền Mẫu Thác Bà, huyện Yên Bình lại tổ chức khai hội đền Mẫu Thác Bà thu hút đông đảo bà con nhân dân cùng du khách thập phương về dâng hương vãn cảnh cầu bình an, may mắn. Lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc mỗi dịp đầu xuân vùng sông Chảy, huyện Yên Bình.

Những đoạn video các bé gái nhảy múa tại Sa Pa được chia sẻ khắp mạng xã hội

Nhiều du khách cảm thấy bức xúc trước hình ảnh các bé gái mặc đồ dân tộc lắc hông, xoay tay, nhảy động tác không phù hợp với lứa tuổi để xin tiền ở quảng trường Sa Pa (Lào Cai).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục