Lai Châu: Khôi phục Lễ hội Nàng Han
- Cập nhật: Chủ nhật, 31/5/2009 | 12:00:00 AM
Kể từ lần tổ chức cuối cùng vào năm 1948, Lễ hội Nàng Han đã vắng mặt hơn 60 năm trong đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc. Hai năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu đã có chủ trương khôi phục lại lễ hội này ở nơi cội nguồn sinh ra nó: bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ.
|
Chị Lò Thị Ðối, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường So, đã ở tuổi trung niên, nhưng vẫn như bông hoa rừng lưu dấu một thời xuân sắc, đang cùng các cô gái trẻ múa điệu múa xòe để trình diễn trong lễ hội.
Chị cho biết, đồng bào Thái nơi đây vẫn lưu truyền câu chuyện về Nàng Han, một vị nữ tướng anh hùng. Mường So là nơi nàng được sinh ra, lớn lên cùng với các trò chơi dân gian và công việc nương rẫy. Khi là thiếu nữ, nàng vô cùng xinh đẹp đảm đang, thường dạy người dân kéo sợi, dệt vải, giúp đỡ người nghèo. Rồi giặc xâm lược bản mường, Nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng khắp các bản tập hợp, đoàn kết đánh giặc. Nàng được người dân bản tin cậy tôn làm nữ tướng. Ðến một ngày dẹp tan quân giặc, nàng trở về mó nước đầu bản, trút bỏ xiêm y đắm mình trong dòng nước xanh mát của quê hương và sau đó bay về trời.
Truyền thuyết về Nàng Han được đồng bào người Thái kể mãi, như câu chuyện Bà Trưng, Bà Triệu của người Kinh. Người dân nhớ công ơn đã lập miếu thờ và tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng nhớ nàng. Sau nhiều năm chiến tranh ly loạn, miếu thờ đã đổ, lễ hội đứt đoạn. Ðến năm 2007, ngôi miếu thờ chỉ còn dấu tích đã được tỉnh công nhận là di tích lịch sử và sau đó một năm được phục dựng.
Trong trí nhớ của người già ở bản Vàng Pheo, Lễ hội Nàng Han gồm sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm gồm: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái. Theo lời kể của ông Lò Văn Tiến, Chủ tịch xã Mường So (chồng chị Ðối) nhớ lại những điều được chứng kiến khi còn nhỏ, thì những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn khắt khe từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu nhiều ngày. Ðến ngày chính lễ, đội múa này sẽ múa từ trong bản ra đến miếu thờ Nàng Han, nơi các vị chức sắc ngự xem.
Cùng với phần lễ tái dựng theo trí nhớ của người già, thì phần hội khá sôi nổi và rầm rộ với các trò chơi dân gian thường thấy trong các ngày hội của đồng bào dân tộc ở đây như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn... Phần trình diễn ẩm thực của người Thái với những món ăn đặc sắc như: Xôi ba màu, cá nướng, rêu nướng ngay bên bờ suối đầu bản sẽ không khỏi khiến du khách tò mò. Ðặc biệt trò chơi thi bắt cá dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ thán phục của khách phương xa.
(Theo TCDL)
Các tin khác
Đến vùng Bảy Núi ở An Giang, đi từ Tịnh Biên cho tới Tri Tôn, đâu đâu cũng thấy những cây thốt nốt thân thẳng đứng, cao vút lên trời xanh làm nên nhiều món ngon, nức tiếng của xứ này.
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm TP Ðà Nẵng khoảng tám ki-lô-mét về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn bao gồm năm ngọn: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía đông; Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía tây, nằm trên một dải cát vàng chiều dài khoảng hai ki-lô-mét, rộng khoảng 800 m.
YBĐT – Điệu múa này chính là để con cháu cảm ơn tổ tiên một năm qua đã phù hộ, che chở cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ…
Với chương trình phong phú, đa dạng và có chiều sâu, Lễ hội Quảng Nam- Hành trình di sản 2009 làm sống lại các lễ hội truyền thống, trở thành nét độc đáo của riêng Quảng Nam.