Hà Giang: Phát hiện hang động đẹp trong khu rừng già nguyên sinh
- Cập nhật: Thứ ba, 2/6/2009 | 12:00:00 AM
Miệng hang chỉ rộng trên 10 m, nhưng càng vào sâu lòng hang càng cao, rộng; nhiệt độ trong hang lúc nào cũng mát lạnh. Bước đầu khám phá diện tích hang rộng hàng chục nghìn m2 được tô điểm bởi vẻ đẹp kỳ thú, muôn màu của thạch nhũ…
Hà Giang vừa phát hiện thêm một hang động đẹp, đó là hang Nặm Pạu tại xã Thượng Bình, huyện Bắc Quang.
Hang Nặm Pạu nằm trong lòng khu rừng già nguyên sinh nên càng tăng sức hấp dẫn khám phá, tìm hiểu. Miệng hang chỉ rộng trên 10 m, nhưng càng vào sâu trong lòng hang thì hang càng cao, rộng, dài; nhiệt độ trong hang lúc nào cũng mát lạnh.
Hiện mới có 3 ngách hang được khám phá, tìm hiểu đã thấy diện tích rộng hàng chục nghìn m2, dư chỗ cho hàng trăm người cùng lúc vào hang chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú, muôn màu của thạch nhũ.
Đặc biệt, hang này có nét tương đồng với động Phong Nha (Quảng Bình) là có dòng suối to, nước trong vắt chảy xuyên qua giữa lòng hang, tạo điều kiện thuận lợi cho người đến chiêm ngưỡng có thể đi bè, mảng vào thăm hang...
Để đến thăm hang Nặm Pạu, du khách có thể đi xe máy, ô tô vào trung tâm xã và đi bộ khoảng gần 1 tiếng là đến nơi. Hang Nặm Pạu mới được phát hiện nên vẫn còn nét đẹp nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người tác động; rất cần các cấp chính quyền sớm có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ để khai thác hang phục vụ cho du lịch có hiệu quả.
Hy vọng trong tương lai không xa, khi đưa hang Nặm Pạu vào khai thác du lịch, bà con các dân tộc xã đặc biệt khó khăn Thượng Bình sẽ được hưởng lợi từ du lịch đem lại.
(Theo VTC)
Các tin khác
Lạng Sơn thì có nhiều món quay, nhưng thịt quay nói ở đây chỉ có thể là thịt lợn, mà phải là lợn sữa hẳn hoi được quay trên than củi thừng mực lấy trong rừng về. Cái anh lợn quay thì ở đâu mà chả có, ấy thế nhưng ai đã từng ăn thịt lợn quay Lạng Sơn một lần thì đến cả chục năm sau vẫn nhớ, vẫn thèm.
Kể từ lần tổ chức cuối cùng vào năm 1948, Lễ hội Nàng Han đã vắng mặt hơn 60 năm trong đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc. Hai năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu đã có chủ trương khôi phục lại lễ hội này ở nơi cội nguồn sinh ra nó: bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ.
Đến vùng Bảy Núi ở An Giang, đi từ Tịnh Biên cho tới Tri Tôn, đâu đâu cũng thấy những cây thốt nốt thân thẳng đứng, cao vút lên trời xanh làm nên nhiều món ngon, nức tiếng của xứ này.
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm TP Ðà Nẵng khoảng tám ki-lô-mét về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Ngũ Hành Sơn bao gồm năm ngọn: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía đông; Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía tây, nằm trên một dải cát vàng chiều dài khoảng hai ki-lô-mét, rộng khoảng 800 m.