Mùa măng đắng
- Cập nhật: Thứ tư, 5/5/2010 | 9:28:50 AM
YBĐT - Mùa này, ở thành phố xuất hiện những hàng bán măng bên hè phố, nơi cổng chợ. Măng được bày trên những chiếc bao tải trải thật dân dã và cuốn hút. Chiều về qua ngõ phố lại thấy phảng phất mùi măng nồng nồng, đăng đắng từ bếp nhà ai tỏa ra khiến ta lại nao nao nhớ đến mùa măng đắng quê nhà.
|
Từ những ngày rất xa khi ta cảm nhận được thế giới bên ngoài đã thấy đằng sau ngôi nhà mình là một nương vầu rộng mênh mông chiều nào cũng rì rào gió thổi. Thân vầu thẳng đứng cao vút được dùng làm nhiều việc trong gia đình, đến mùa vầu lại cho măng. Thích thú nhất vẫn là mùa măng, chỉ cần vác thuổng hoặc dao theo mẹ, theo chị lên nương, chẳng bao lâu là đã đào được một tải măng lễ mễ đem về. Ở quê không mấy nhà không có nương vầu để lấy măng, nương vầu cũng như vườn rau của mỗi nhà.
Măng vầu thường ngăm ngăm đắng, nhưng lại là vị đắng ngọt, ăn một lần nhớ mãi cả đời. Măng đắng là thứ sản vật dân dã thiên nhiên ban tặng cho người miền núi. Người Thái, người Tày, người Mường... dù ở Mường Lò, Mường Tấc, Mường Than, ở Phù Yên, Thượng Bằng La, Đồng Khê hay Tú Lệ đều ưa thích sản vật này. Dường như vị ngăm ngăm đắng, ngọt ngọt của măng đã ngấm sâu vào tâm hồn của mỗi người, là dư vị của nỗi nhớ chẳng thể nào quên của những người con xa xứ cứ mỗi mùa xuân về, mỗi mùa măng đắng đến.
Ở quê tôi, thường vào cuối tháng một, đầu tháng chạp, những cơn gió heo may đem theo những cơn mưa bụi giăng giăng mù mịt trên nương đồi và những cánh đồng trông thật buồn. Nhưng ấy cũng là lúc cỏ cây vạn vật như được đánh thức sau mấy tháng mùa đông khô khốc và giá lạnh. Mưa bụi, đất ẩm là lúc những củ măng vầu bắt đầu cựa mình dưới tầng đất phủ đầy lá khô đã mục nát. Sáng mai, những chiếc măng đầu mùa đã nhú lên khỏi mặt đất tìm ánh sáng và nước mát của đất trời. Những chiếc măng đầu mùa còn giấu mình dưới tầng đất xốp và lá mục thường mềm và ngọt, chưa có được cái vị đắng đặc trưng của măng vầu. Những ngày ấy trong mâm cơm đĩa măng được coi như một thứ ân huệ của đất, của trời, thường nhường nhịn cho nhau như của ngon vật lạ.
Ra Giêng, trời ấm hơn và bắt đầu có những trận mưa xuân nặng hạt, cây cối đua nhau nảy lộc thì trong mảnh nương vầu măng cũng đua nhau trồi lên khỏi mặt đất. Đất ẩm và mát măng vầu lớn nhanh như thổi. Chiều hôm trước xung quanh gốc vầu đất vẫn phẳng phiu, sáng sớm hôm sau măng đã tua tủa vươn lên như rừng gươm, rừng giáo, mới thực kỳ diệu! Chẳng ai biết được những củ măng đã mai phục dưới tầng đất xốp tự khi nào để chờ đợi, khi nghe thấy tiếng mưa rơi là đồng loạt vươn lên uống cạn những giọt nước trời cho thỏa lòng những ngày chờ đợi.
Khi mưa xuân bắt đầu nặng hạt là măng bắt đầu có vị đắng xen lẫn vị ngọt. Khi trời có sấm, bắt đầu những cơn mưa rào măng mọc càng nhiều và lớn càng nhanh. Vị đắng của măng cứ theo tiếng sấm mà tăng dần lên. Măng vầu ngon chính là ở cái vị đăng đắng, ngọt ngọt rất lạ mà chả có loại măng nào có được.
Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác cứ tựa hồ như sấm gọi. Rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác. Thiên nhiên ban tặng cho quê tôi cái giống cây thần kỳ đến thế.
Nhờ bàn tay khéo léo của mẹ, của chị, của em những củ măng vầu được chế biến thành những món ăn vừa dân dã vừa độc đáo thật ngon miệng, ăn một lần để mà thèm cả năm, cả tháng như: măng xào mẻ, măng luộc chấm mẻ, măng cuốn thịt vịt, thịt lợn, măng hầm xương... Bây giờ chẳng phải chỉ có người dân miền núi mà cả người thành phố cũng đã cảm nhận được cái vị đắng giòn của măng với vị chua của mẻ hòa quyện vào nhau thật độc đáo ngon lành. Trong những mâm cơm thịnh soạn của nhà hàng kia đã thấy xuất hiện đĩa măng đắng luộc với bát mẻ chưng thật dậy mùi.
Những người con xa xứ, xa quê như tôi cứ mỗi độ mưa xuân, mỗi đêm nghe tiếng sấm rền lại thấy nao nao nỗi nhớ quê, nhớ mùa măng đắng.
Hoàng Mai
Các tin khác
Nha đam thường được sử dụng để trị bệnh. Nhựa cây nha đam chế biến thành thuốc có thể chữa được nhiều chứng bệnh như: sốt, khớp tim, trĩ, viêm khớp, viêm gan mạn tính, rối loạn tuyến tụy, chữa lành các loại bỏng…
Cà rốt, quả bí đỏ, mướp đắng, cà chua, tỏi và mộc nhĩ đenđều là những thực phẩm có ích để bảo vệ sức khỏe, giúp sống thọ. Dưới đây là dẫn giải của GS Tề Quốc Lực, ĐH Y học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tạp chí Newsweek (Mỹ) vừa liệt kê danh sách 100 địa điểm nổi tiếng của thế giới có nguy cơ biến mất hoàn toàn do tình trạng ấm lên của trái đất và những thay đổi ghê gớm về địa lý, trong đó châu Á "góp mặt" khá nhiều.
Quyết định của UNESCO công nhận mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển của thế giới đã được UBND tỉnh Cà Mau công bố tại lễ khai mạc “Tuần lễ văn hoá – du lịch đất mũi” vào tối qua (25/4).