Bảo tồn, phát triển Di tích danh thắng quốc gia
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/8/2010 | 3:10:36 PM
YBĐT - Nhìn về lịch sử, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) có từ rất lâu đời, nó gắn liền với lịch sử cư trú của dân tộc Mông nơi đây. Ruộng bậc thang là một kỳ tích của một phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước, là một quá trình công phu tốn nhiều công sức, từ năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác.
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Những năm trước đây, do trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, phương thức sản xuất lại lạc hậu, phần lớn diện tích ruộng chỉ cấy một vụ nên cuộc sống của đồng bào Mông Mù Cang Chải rất khó khăn. Để những thửa ruộng bậc thang đem lại cuộc sống ấm no cho người dân, được sự quan tâm của Nhà nước, huyện đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu, đầu tư giống, khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải đã tích cực vận động nhân dân khai khẩn mở rộng diện tích, thâm canh tăng từ một vụ lên hai vụ lúa.
Dưới ánh sáng của Đảng, đồng bào Mông vùng cao đã thay đổi nếp sản xuất cũ, tích cực cải tạo mở rộng để những thửa ruộng bậc thang vươn xa, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc lúa, đưa các loại giống lúa ngắn ngày, chịu rét, chịu hạn, năng suất cao vào gieo cấy. Đến hết nhiệm kỳ Đảng bộ huyện lần thứ XVI, ruộng bậc thang đã góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt của Mù Cang Chải lên trên 19.000 tấn, trong đó riêng lúa đạt 13.652 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 380 kg/người/năm, an ninh lương thực cho người dân vùng cao được đảm bảo.
Đảm bảo an ninh lương thực vùng cao, từ bàn tay lao động cần cù của đồng bào mà những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã tạo thành những bức tranh hoàn hảo về nghệ thuật. Ai đến với Mù Cang Chải cũng phải dừng lại ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình để chiêm ngưỡng kỳ tích của bàn tay con người. Những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi như những mâm xôi làm nao lòng du khách. Nếu chịu khó một chút lặn lội lên trên lưng chừng núi nhìn xuống mới thật sự thấy đó là những công trình văn hoá tuyệt tác mà nghệ nhân sáng tạo ra nó là những người nông dân chân lấm tay bùn.
Do địa hình nơi này là núi cao, vực sâu, cắt xẻ nhiều nên mỗi “mâm xôi” ruộng bậc thang được xen kẽ giữa các khe nước lớn nhỏ, trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cứ thế ruộng, rừng, khe, suối… tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau. Càng lên cao, ta càng thấy thú vị bởi cảnh quan kỳ vĩ, sự hoành tráng của núi rừng, bởi sự trong lành của khí hậu và sức cải tạo thiên nhiên của con người nơi đây.
Trong 3 xã có nhiều ruộng bậc thang thì La Pán Tẩn có diện tích ruộng bậc thang nhiều hơn cả. Ruộng được tập trung ở các bản: La Pán Tẩn, Trống Tông, Háng Sung, Pú Nhu và Tà Chí Lừ, đây cũng là nơi đẹp nhất và tập trung nhất trong hệ thống ruộng bậc thang của Mù Cang Chải. Cùng với La Pán Tẩn, Dế Xu Phình diện tích ruộng bậc thang tuy ít hơn nhưng lại tập trung hơn, chủ yếu ở các bản: Zế Xu Phình, Ma Lừ Thàng, Phình Hồ. Tại đây, cũng với độ cao như ruộng bậc thang La Pán Tẩn là những “mâm xôi bậc thang” rõ nét. Giáp với 2 xã trên là Chế Cu Nha, xã này có 114 ha ruộng bậc thang, chủ yếu tập trung ở các bản: Háng Tàu Dê, Trống Tông và Thào Chua Chải. Chế Cu Nha nằm cùng hướng với La Pán Tẩn, cũng với những thửa ruộng bậc thang xếp đều trên các sườn đồi như những bức thảm trải giữa hùng vĩ thiên nhiên.
Cùng với ruộng bậc thang là hệ thống dày đặc các khe suối lớn nhỏ, đặc biệt là các thác nước, các hang động ở Chế Cu Nha tạo nên sự hấp dẫn kỳ thú với bất cứ ai một lần đặt chân đến Mù Cang Chải và Chế Cu Nha. Ghi nhận công trình nhân tạo của đồng bào vùng cao, ngày 8/10/2007, Bộ Văn - hoá Thể Thao và Du lịch đã ra quyết định về việc xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Đây thật là niềm tự hào, niềm vinh dự của vùng cao Mù Cang Chải.
Hôm nay, để khai thác tốt tiềm năng ruộng bậc thang, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đang ra sức thi đua đẩy mạnh khai hoang, thâm canh tăng vụ, đồng thời tôn tạo gìn giữ, kết hợp ruộng bậc thang với bảo vệ tự nhiên, gắn ruộng bậc thang với lễ hội văn hoá cổ truyền như: mừng cơm mới, gầu tào, đánh pao, bắn nỏ… Từ vốn quý là ruộng bậc thang, Mù Cang Chải sẽ là điểm hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và nước ngoài. Ruộng bậc thang sẽ đem đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân vùng cao nơi đây.
Đình Tứ
Các tin khác
Ngày 19.8, Tập đoàn Lesaffre (Pháp), đơn vị tổ chức The Bakery World Cup cho biết năm nay Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham dự cuộc thi làm bánh mì và bánh ngọt quốc tế lần thứ 3.
YBĐT - Chú trọng đẩy mạnh và quảng bá tốt cho hoạt động du lịch, hết năm 2009, huyện Yên Bình đã đón hàng ngàn lượt du khách đến thăm quan, trong đó có trên 7.000 lượt du khách thăm quan hồ Thác Bà, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Trong mùa lễ Vu Lan, chuỗi nhà hàng Seoul Garden tại TP HCM ra mắt chương trình “Món chay mùa Vu Lan” vào các ngày 29 tháng 6 âm lịch và mùng 1, 14 và 15 tháng 7 âm lịch (tức ngày 9, 10, 23 và 24/8 dương lịch).
Lãnh thổ Việt Nam chạy dọc bờ biển phía đông của bán đảo Đông Dương, với chiều dài bờ biển 3.444 km tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ, biển Đông và vịnh Thái Lan. Chính nhờ vị trí địa lý vô cùng thuận lợi này mà ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, nhất là các bãi biển chạy dọc từ Nam ra Bắc của nước ta. Chúng tôi xin giới thiệu 5 bãi biển nên đến vào mùa hè này tại Việt Nam.