Để Yên Bái thực sự là điểm đến hấp dẫn và thân thiện

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 2:58:03 PM

YBĐT - Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011 là chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái- Phú Thọ - Lào Cai được tổ chức tại tỉnh Yên Bái. Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bái tiếp tục quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh du lịch.

Lễ khai mạc Chương trình
Lễ khai mạc Chương trình "Du lịch về cội nguồn năm 2010" giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, tổ chức tại Lào Cai. (Ảnh: Văn Tuấn)

Nhân dịp này, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du Lịch Yên Bái về những thành công của du lịch Yên Bái trong chương trình  hợp tác phát triển những năm qua.

PV: - Xin ông cho biết những giải pháp cơ bản trong phát triển du lịch ở Yên Bái? Những kết quả nổi bật về hoạt động du lịch từ khi có chương trình hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh, trong đó có sự tăng trưởng về lượng khách du lịch đến Yên Bái?

Ông Nguyễn Hữu Thắng: Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Chương trình đã chính thức là thương hiệu du lịch riêng của 3 tỉnh và đã khẳng định được nguồn lực, quy mô, sức ảnh hưởng rộng khắp trong cả nước. Hình ảnh du lịch của 3 tỉnh đã để lại ấn tượng tốt với du khách trong và ngoài nước, góp phần thay đổi diện mạo du lịch vùng núi Tây Bắc.

Trong những năm qua,  chương trình hợp tác đã được duy trì và đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú và hình ảnh Yên Bái được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến như một “Điểm đến hấp dẫn- thân thiện” mang đậm dấu ấn và sắc thái văn hoá của địa phương.

Kiệu rước lễ vật thành kính về nơi đại tế dâng lên tổ Mẫu Âu Cơ. (Ảnh: H.N)

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản và phát hành hàng vạn ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp; xây dựng nhiều biển quảng cáo tấm lớn  quảng bá trực tiếp cho các điểm, khu du lịch đến của tỉnh;  lựa chọn xây dựng và kết nối tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức nhiều sự kiện có sức thu hút cao đối với du khách trong và ngoài nước như lễ hội truyền thống của các dân tộc ít người, lễ hội đền Đông Cuông, lễ hội đền Đại Cại, hội chọi trâu Lục Yên, Tuần Văn hoá - Du lịch Mường Lò, du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc năm 2010 và nhiều các hoạt động phụ trợ khác.

Lễ dâng hương ở đền Đại Cại (Lục Yên). (Ảnh: Hoàng Đô)

Trên cơ sở hợp tác 3 tỉnh đã phát huy và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng như: du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá... Tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, điểm du lịch làm cơ sở thu hút mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh như: hồ Thác Bà, Khu du lịch sinh thái Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và đã chú trọng phát triển mạnh du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc ít người để đáp ứng nhu cầu khách đi theo lại hình du lịch trải nghiệm và thăm quan các làng bản dân tộc. Thông qua các hoạt động du lịch cũng đã góp phần thu hút nguồn lực tu bổ được hệ thống các đền chùa, các di tích lịch sử quốc gia.

Một nghi lễ trong lễ hội đền Mẫu Thác Bà. (Ảnh: M.T)

Với các sự kiện hoạt động văn hoá du lịch, trong những năm qua, du lịch Yên Bái đón và phục vụ được trên 1.290.000 lượt khách, doanh thu từ cơ sở lưu trú đạt 454 tỷ đồng, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 53.073 lượt, khách du lịch nội địa đạt 1.235.603 lượt.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch tăng nhanh, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hoạt động kinh doanh du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển mạnh từ 27 cơ sở của năm 2005, đến nay lên 71 cơ sở. Quy mô và chất lượng dịch vụ được nâng cao rõ rệt, tiến gần đến chuẩn quốc gia, quốc tế và hoạt động du lịch đã tạo công ăn việc làm cho 1.287 lao động trực tiếp và một bộ phận lao động không thường xuyên trong ngành.

- Để Yên Bái thực sự là một điểm đến hấp dẫn và thân thiện trong thời gian tới, xin ông cho biết mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch?

Để phát huy và khai thác hợp lý tiềm năng du lịch vốn có của địa phương, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế, trong thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hoàn thiện các hoạt động chuyên môn trong việc đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm hồ Thác Bà, vùng văn hoá Mường Lò, Di tích Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; khai thác tiềm năng rất lớn về du lịch cộng đồng. Mục tiêu phấn đấu những năm tới sẽ đón và phục vụ trên 420 ngàn lượt khách, doanh thu đạt 150 tỷ đồng.

Ngành văn hoá, thể thao và du lịch cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và hệ thống hoá các sinh hoạt lễ hội truyền thống các dân tộc ít người, từng bước đa dạng địa bàn và nội dung hoạt động du lịch. Du lịch Yên Bái cũng sẽ tập trung hướng mạnh về cơ sở để khai thác và giới thiệu quảng bá những nét văn hoá đặc sắc, đa dạng và mang đặc thù riêng của Yên Bái để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào về giá trị văn hoá truyền thống của từng tộc người, động viên nhân dân tích cực tham gia vào hoạt động du lịch để biến các giá trị văn hoá thành tiềm năng kinh tế và bảo tồn văn hoá...

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. (Ảnh: Làm lễ vào mùa Mơi của người Mường, xã Sơn A, huyện Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Chi)

Đi đôi với các giải pháp chuyên môn, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực phối hợp với các ngành hữu quan chủ động tham mưu với UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú; đầu tư xây dựng mới khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên có trên 500 buồng, phòng đạt tiêu chuẩn trên 3 sao đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về buồng, phòng hạng cao cấp cho khách du lịch; đưa quỹ buồng, phòng của cơ sở lưu trú du lịch lên ngang mức các tỉnh trong khu vực; đề xuất ý kiến về việc đầu tư hệ thống giao thông để du khách đến các điểm du lịch nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, nhất là đến với vùng văn hoá dân tộc Mông và Di tích Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đề xuất các ý kiến về tập trung nguồn vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng tại các làng, bản văn hoá, nâng cấp đường giao thông thôn bản, xây dựng hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, dệt thổ cẩm, làm đồ trang sức, nhạc cụ... hỗ trợ kinh phí xây dựng các làng văn hoá truyền thống dân tộc.

Đồng thời, không ngừng đổi mới công tác quảng bá, tuyên truyền nhằm mở rộng thị trường du lịch và xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương; chú trọng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch tại địa phương...

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Nhâm (thực hiện)

Các tin khác

YBĐT - Đền Đại Cại - một trong những địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn hoá - khảo cổ học, được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.

Trận đấu mở màn của lễ hội chọi trâu.

YBĐT - Sáng 16/2 (tức ngày 14 tháng giêng năm Tân Mão) Lễ hội chọi trâu huyện Lục Yên chính thức được khai mạc tại sân vận động trung tâm thị trấn Yên Thế, thu hút hàng nghìn lượt du khách, nhân dân đến xem và cổ vũ.

Lãnh đạo các tỉnh chủ trì họp báo.

YBĐT - Ngày 15/2, tại Hà Nội, UBND các tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai đã tổ chức Họp báo giới thiệu Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2011, trong đó thông báo lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 26/2 tới đây.

Hàng nghìn người dân và du khách quốc tế đã đến tham gia hội Gầu Tào truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) ngày 13.2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục