Nét văn hóa trong Lễ cấp sắc của người Dao Nậm Lành
- Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 3:09:52 PM
YBĐT - Cuộc đời của mỗi người dân tộc Dao từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều phải trải qua một nghi lễ cực kỳ quan trọng, đó là Lễ cấp sắc.
Nghi thức dâng hương trong Lễ cấp sắc của đồng bào Dao.
(Ảnh: Pa Ri)
|
Người Dao dù đã đến tuổi trưởng thành, thậm chí 40 - 50 tuổi nhưng nếu chưa làm lễ cấp sắc thì vẫn bị coi là “con nít” (chưa trưởng thành) không có tiếng nói trong dòng tộc, trong cộng đồng.
Cộng đồng người Dao nói chung và người Dao Nậm Lành (Văn Chấn) nói riêng đều quan niệm con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới trở thành người có đức, có ích cho gia đình và xã hội. Thầy thứ nhất chính là bố mẹ đẻ phải dạy con tập nói, tập đi, dạy những điều hay, lẽ phải, không để con cái ngu dốt, lười biếng, đánh bạc, ăn cắp, phải biết kính nể ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, láng giềng…thầy thứ hai là người thầy giáo dạy học chữ, học văn hóa biết cách giao tiếp với xã hội, biết sử dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến, trở thành người có ích cho xã hội. Thầy thứ ba là thầy mo cấp sắc cho từng người để tiếng nói giống nòi, phẩm chất, phong tục tốt đẹp được con cháu kế tục. Dạy con cháu vạn điều tôn sư trọng đạo, kính thầy, yêu nước, yêu quê hương, cấm làm điều ác, không ngoại tình, không phá rừng, không đánh bạc, không bỏ vợ, giáo dục con cháu học tập các loại văn hóa tiên tiến của dân tộc và xã hội, tập trung phát triển kinh tế gia đình, bảo nhau trồng nhiều quế, chè.
Đến với người Dao Nậm Lành trong những ngày này, không khí vui xuân vẫn tràn ngập bản làng khi mà người người, nhà nhà đều đang bắt tay vào chuẩn bị cho Lễ hội cấp sắc sẽ diễn ra đúng vào ngày 25/2 này để phục vụ Chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai.
Trước ngày cấp sắc các gia đình phải dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị lễ vật cho ngày cấp sắc.
Theo tập quán của người Dao Nậm Lành, mỗi người phải làm Lễ cấp sắc ít nhất một lần, gia đình nào có điều kiện thì phải làm Lễ cấp sắc 12 đèn mới thành người. Ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã Nậm Lành cho biết: “Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào mùa đông và đầu xuân năm mới, đó là khi công việc đồng áng xong xuôi. Gia đình nào có con cái đến tuổi cấp sắc thì phải trồng nhiều lúa ngô hơn, nuôi nhiều lợn gà hơn”.
Khi chuẩn bị Lễ cấp sắc phải xem tuổi anh cả có hợp với năm cấp sắc không, phải chọn ngày tháng ấn định, số người tham gia, số thầy cúng…rồi chuẩn bị gà, lợn, gạo giấy đốt, quần áo, chuông, hương đốt... Gia đình mời anh em họ hàng xa gần và làng bản đến chung vui, chứng kiến việc cấp sắc. Thầy cúng Lý Kim Viên, người đã có thâm niên hơn 20 năm làm nghề cấp sắc cho người Dao Nậm Lành chậm rãi nói: “Trước đây, Lễ cấp sắc được làm theo 3 cấp: cấp 3 đèn, cấp 7 đèn và 12 đèn. Nhưng nay để tránh tốn kém, lãng phí thì các gia đình thường tổ chức ở cấp 3 đèn. Thầy cúng có thầy chính và thầy phụ, cấp 3 đèn phải có 3 thầy, 7 đèn có 7 thầy và 12 đèn có 9 thầy. Lễ vật trong buổi cấp sắc gồm 2 con lợn (từ 50 kg trở lên), 2 con gà, 3 bộ đèn cùng quần áo, giấy bản, ghế xu, trống chiêng…phục vụ cho buổi lễ”.
Đến ngày cấp sắc, các gia đình chuẩn bị đầy đủ lễ vật tại bàn thờ. Thầy cả mang theo 3 tờ tranh ma nhằm giáo dục và chứng kiến Lễ cấp sắc. Gia đình mời thầy cúng vào nhà, mời thuốc và ăn cơm tạm. Ăn xong, người giúp việc thắp hương mời một thầy lên cúng và dâng hương mời tất cả các Sư Phủ cùng dâng hương. Tiếp đó, thầy mo mời và cúng ma nhà, ma bản 3 lần tổng thời gian là 8 giờ đồng hồ. Khi ma nhà, ma bản đến, mọi người mới được nghỉ ngơi, ăn cơm, uống nước.
Chờ đến giờ hoàng đạo, thầy cúng mời các trò của mình lên cấp sắc chính thức. Người giúp việc và thầy mo mang ghế, đèn của các trò lên cạnh bàn thờ, đặt theo thứ tự từ anh cả đến các em và mời các Sư Phủ để ngồi ngang ghế của mình có trang trí bản đỏ, vàng, xanh và cả bộ đèn đóng bằng cây nứa để cầm im ngồi trên đó. Các Sư Phủ dạy cho các con mọi điều cấm, điều phải học theo. Điều đặc biệt là các Sư Phủ chỉ được múa không được nói ra miệng. Sau đó các mo tuyên bố những điều kiêng kỵ và điều phải làm cho các con để trở thành người lớn theo dạy bảo của thầy cúng. Sau khi cấp sắc xong người giúp việc lại mổ 1 con gà, mời thầy mo lên cúng tạ ơn ma nhà, ma bản và kết thúc là mời ăn cơm và tiễn đưa các thầy về nhà.
Lễ cấp sắc của người Dao Nậm Lành không chỉ nhằm giáo dục, đạo đức cho thế hệ trẻ mà còn nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, để Lễ cấp sắc thực sự là một nét đẹp văn hóa của người Dao thì việc lược bớt những thủ tục rườm rà, cổ hủ, tránh gây, tốn kém là cần thiết và phù hợp với đời sống của đồng bào dân tộc ở vùng cao.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú nằm trong "Chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ", được tổ chức sáng 24/2/2011, tức ngày 22/1 năm Tân Mão, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.
YBĐT - 6 điệu xòe cổ được khôi phục là cái gốc, khởi nguồn của 36 điệu xòe dân tộc Thái miền Tây Bắc hôm nay.
YBĐT - Khi việc đồng áng của một năm đã xong, lúa thu đầy bồ, ngô treo đầy bếp cũng vừa kịp lúc hoa mơ, hoa mận mở trắng rừng báo hiệu một mùa xuân mới.
YBĐT - Đình và đền Quy Mông đã có từ hàng trăm năm nay. Theo bản Phó y sao ngày 6 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 2 năm 1850 được lưu giữ tại di tích đã ghi rõ đình, đền Quy Mông thờ rất nhiều nhân thần cụ thể.