Lên Suối Giàng trẩy hội mùa xuân

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2011 | 4:01:23 PM

YBĐT - Khi việc đồng áng của một năm đã xong, lúa thu đầy bồ, ngô treo đầy bếp cũng vừa kịp lúc hoa mơ, hoa mận mở trắng rừng báo hiệu một mùa xuân mới.

Già làng làm lễ cúng tạ cây chè cổ ở Suối Giàng.
(Ảnh: Thanh Ba)
Già làng làm lễ cúng tạ cây chè cổ ở Suối Giàng. (Ảnh: Thanh Ba)

Sau một năm lao động vất vả, người Mông xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) lại tưng bừng bước vào những ngày hội xuân vui vẻ mang đậm bản sắc dân tộc.

Đến với vùng đất Suối Giàng ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, du khách dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi bốn mùa trong một ngày. Sáng ra là một chút se se lạnh của ngày xuân, buổi trưa là cái nắng vàng của mùa hè, chiều đến sương phả ra từ các vách núi mang đậm hơi thở của mùa thu và đêm đến là cái lạnh se sắt của những ngày đông.

Suối Giàng không chỉ có một khí hậu trong lành mà còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan hoang sơ và kỳ thú. Rừng nguyên sinh Tập Lăng xanh ngắt một màu trên dải Hoàng Liên hùng vĩ với dòng thác ngày đêm tung bọt trắng xoá thơ mộng, thật như một Sa Pa, Đà Lạt của đất trời Tây Bắc. Nhưng có lẽ hơn 3 vạn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi mới tạo nên sự khác biệt và trở thành điểm nhấn, lôi cuốn du khách gần xa đến với Suối Giàng. Cây chè là cuộc sống, là niềm tin của người Mông trên rẻo cao này.

Để cảm tạ đất trời, cảm tạ cây chè Shan và thể hiện lòng thành kính dâng lên đất trời đã ban tặng cho Suối Giàng một món quà vô giá, vào dịp mở hội mùa xuân, người Mông ở đây lại tổ chức lễ cúng cây chè tổ. Đây là nghi lễ linh thiêng trong dịp lễ hội mùa xuân. Con gà sống đẹp nhất, cơm nếp nương nấu bằng gạo mới, chén rượu ngon, những hạt muối trắng sẽ được dùng để dâng lên các vị thần linh với  mong muốn các vị thần phù hộ cho người Mông Suối Giàng có một vụ chè mới bội thu.

Trong không khí trang nghiêm, mùi hương trầm phảng phất khi đất trời sang xuân, vị già làng có uy tín nhất bản sẽ làm chủ tế thay mặt mọi người cúng tế cây chè tổ hơn 400 năm tuổi. Vị chủ tế đọc bài cúng mời các vị thần về nhận lễ vật của con cháu, cầu thần Trời, thần Đất, thần Chè che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hoà, cho cuộc sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Sau nghi lễ trang nghiêm, những búp chè xuân đầu tiên sẽ được thu hái và chế biến bằng phương pháp truyền thống. Bên bếp lửa ấm nồng, thưởng thức chén nước chè sao bằng chảo gang và pha bằng chính nước Suối Giàng thì không ai có thể quên được bởi hương vị chè ấm nồng, nước chè sánh vàng như mật ong rừng, thấm đượm tình người dân vùng cao.

Người Mông Suối Giàng không chỉ chế biến thứ chè nổi tiếng mà còn khéo léo tạo nên nhiều sản phẩm truyền thống đặc sắc. Lễ hội mùa xuân cũng là dịp để người dân địa phương giới thiệu với du khách phương xa nhiều sản phẩm quê hương từ hạt lúa, bắp ngô trồng trên nương, chiếc áo váy thổ cẩm sặc sỡ, chiếc lù cở vẫn hàng ngày theo người Mông lên nương đến những vật dụng thường ngày như dao, cuốc, búa được làm ra từ những bàn tay lao động cần cù và khéo léo.

Mảnh đất Suối Giàng đâu chỉ có loại chè ngon nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc mà còn lưu giữ được những nét văn hoá độc đáo của người Mông từ bao đời nay. Ngày hội xuân đến, tiếng khèn như giục giã, trai gái từ khắp các bản Giàng Cao, Bản Mới, Tập Lăng, Suối Lóp....về dự hội. Những chiếc áo, váy sặc sỡ của các chàng trai, cô gái Mông ẩn hiện trong cái trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận cùng sắc thắm đỏ của đào rừng.

Tình cảm của chàng trai Mông gửi vào trong tiếng khèn lúc dìu dặt, lúc nỉ non như những giai điệu của tình yêu say đắm: “Anh ước làm một cái kim, sợi chỉ cho em cài vào vạt áo để suốt đời không rụng, không rơi”. Đáp lại tiếng khèn của chàng trai, cô gái Mông gửi lòng mình qua tiếng đàn môi trầm bổng đầy ý nhị nhưng cũng không kém phần nồng nàn “Yêu chàng, em yêu chàng lắm, ra về thương mãi anh chàng ơi”. Trong tiếng đàn môi, tiếng khèn, tiếng sáo, người ta như quên hết những vất vả thường ngày chỉ còn say sưa theo những vũ khúc của ngày xuân.

Trong lễ hội mùa xuân ấy, những con người ngày thường lao động vất vả ấy bỗng thành những nghệ sĩ khi cất tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ đã đem lại cho người Mông cuộc sống no ấm, ca ngợi vùng đất Suối Giàng đẹp tươi: “Các bạn đến Suối Giàng là quê hương/ Chúng tôi không có gì hơn, chỉ có tấm lòng mời tách chè đắng/ Các bạn đến Suối Giàng là vùng cao/ Chúng tôi không có gì hơn, chỉ có tấm lòng mời chén chè chát”. Tới hội xuân, du khách còn được tham gia những trò chơi truyền thống của người Mông như ném pao, đẩy gậy, đánh quay...mang đậm bản sắc dân tộc và thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Những câu hát mộc mạc và chân chất như tâm hồn người dân nơi đây vang lên giữa núi rừng hoà vào không khí rạo rực của ngày xuân như lời mời gọi hãy một lần đến với Suối Giàng để ngắm hoa mơ, hoa đào nở, nhấp ngụm chè nồng ấm và hoà vào vũ điệu khèn say đắm của mùa xuân.

Hồng Khanh

Các tin khác
Dòng người nô nức về tham quan, du lịch tâm linh đình, đền Quy Mông.

YBĐT - Đình và đền Quy Mông đã có từ hàng trăm năm nay. Theo bản Phó y sao ngày 6 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 2 năm 1850 được lưu giữ tại di tích đã ghi rõ đình, đền Quy Mông thờ rất nhiều nhân thần cụ thể.

YBĐT - Cùng với thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn là huyện tổ chức tham gia nhiều lễ hội trong Chương trình “Du lịch về cội nguồn” tỉnh Yên Bái năm 2011.

Tuần lễ văn hóa Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
(Ảnh: Lê Bác Đạt)

YBĐT - Di tích danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong những điểm nhấn chính của tuyến lịch Tây Bắc, là một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư và du khách  tham quan.

YBĐT – Theo dòng du khách thập phương trong dịp hành hương đầu xuân, chúng tôi tìm về đền Đại Kại, một trong những ngôi đền lớn nhất vùng thượng lưu sông Chảy. Tại đây vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Dao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục