Mường Lò có nhiều lợi thế đặc thù phát triển du lịch
- Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2011 | 2:58:50 PM
YBĐT - Vùng Mường Lò không rộng về diện tích nhưng không gian văn hóa lại vô cùng rộng lớn. >>> Về Miền Ban trắng / Lễ khai mạc Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2011.
Đồng bào Mường xã Sơn A (Văn Chấn) chuẩn bị lễ vật trong hội “Lồng Tồng”.
|
Chị Elizabet là một du khách người Pháp. Khi xem phục dựng sinh hoạt “Hạn khuống”, chị liên tục hỏi người phiên dịch về ý nghĩa, nội dung sinh hoạt văn hóa này của đồng bào Thái ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Vô tình, tôi ngồi bên cạnh và trở thành một nhà dân tộc học "bất đắc dĩ" nói về ý nghĩa của “Hạn khuống” để người phiên dịch chuyển tải tới Elizabet.
Tan đêm “Hạn khuống”, khách xa lục tục ra về, chỉ còn dân bản lui lại múa xòe ở sân nhà sàn văn hóa. Riêng Elizabet cùng các thành viên trong đoàn khách du lịch vẫn mải mê lên sàn “Hạn khuống” chụp ảnh lưu niệm với những thanh niên vừa biểu diễn xong.
Sau đó, chị hòa vào ánh lửa đêm xòe... Tôi hỏi chị về cảm nghĩ sau đêm “Hạn khuống”, Elizabet hào hứng nói: "Thật thú vị! Tôi thấy Việt Nam là một đất nước sống rất trẻ trung. Hơn nữa, đất nước các bạn đa sắc tộc, đa văn hóa, có truyền thống lâu đời và rất tinh tế". Chị còn bảo, khi trở về Pháp, chị sẽ tích cực giới thiệu về Việt Nam, về vùng đất Mường Lò của Yên Bái và chị sẽ nói với các bạn mình là hãy đến với đất nước này.
Một người mới quen khác là mẹ con chị Hồng Hà đã rong ruổi ô tô từ thành phố Hồ Chí Minh ra đây dự hội xuân Mường Lò. Đến đám hội nào, tôi cũng gặp hai mẹ con chị. Hôm ở Suối Giàng, chị nhờ tôi bấm máy để lưu lại những hình ảnh bên gốc chè cổ thụ. Chị nói: "Em bấm hình nhiều nhiều giúp chị để về chị khoe với mọi người". Đã đi du lịch ở một số nước và đi nhiều nơi trong nước nhưng đến đây, chị được thấy rất nhiều điều mới lạ, kì thú.
Được biết, rời Mường Lò, chị còn đi tiếp Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình theo lịch trình du xuân Tây Bắc đã định.
Ngoài những vị khách trên, trong dịp hội xuân Mường Lò, tôi còn may mắn gặp khá đông đồng nghiệp các báo chuyên phụ trách mảng văn hóa và du lịch.
Cảm nhận chung của họ về Mường Lò là một vùng đất giàu tính đặc thù văn hóa. Bởi lẽ, hiếm ở nơi nào, khi xu hướng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng bản sắc văn hóa của các tộc người như ở Mường Lò vẫn giữ được nét nguyên sơ. Điều ấy thể hiện ngay trong bản thân mỗi người dân qua ngôn ngữ, trang phục và trong từng nét sinh hoạt thường ngày, trong lao động sản xuất của mỗi gia đình và cộng đồng làng xã.
Vùng Mường Lò không rộng về diện tích nhưng không gian văn hóa lại vô cùng rộng lớn. Chỉ cần đi trong vòng bán kính khoảng 20 cây số quanh thị xã Nghĩa Lộ là đến được những khu vực thuần cư của người Thái, Mường, Tày ngay trong vùng Mường Lò; người Dao, người Khơ Mú ở trên các triền núi thấp quanh vùng; người Mông sống trên núi cao có vùng chè tuyết cổ thụ như Suối Giàng, Sùng Đô thì đường ô tô cũng đã đến tận nơi.
Mọi người cho rằng, đây là lợi thế để thu hút du khách và các nhà nghiên cứu. Bởi lẽ, khi họ đến Mường Lò, trong một thời gian ngắn, họ có thể tiếp cận văn hóa của nhiều tộc người với hàng loạt những lễ hội mùa xuân như: lễ cấp sắc của người Dao; lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú; lễ hội “Xên bản, xên mường”, cầu mưa của người Thái; lễ hội “Lồng tồng” của người Tày, Thái, Mường; lễ hội “Gầu tào” của người Mông...
Yếu tố này chắc chắn không thể có ở những vùng thuần người Kinh như miền xuôi, thuần Mường ở Hòa Bình hoặc thuần Thái ở Sơn La... Hơn nữa, đó còn là yếu tố kích thích niềm hứng thú cho du khách theo hiệu ứng tâm lí "đi một, biết mười".
Thêm một lợi thế đặc thù nữa là Mường Lò nằm ở vị trí cửa ngõ của một khu vực du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng trong lịch trình như mẹ con chị Hồng Hà ở thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Chắc chắn, du khách không thể bỏ qua địa danh Mường Lò nếu chúng ta làm tốt việc quảng bá.
Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của vùng Mường Lò cũng rất nổi tiếng. Cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với nét hoang sơ của núi rừng, khe suối, mỏ nước khoáng nóng, làng bản có nghề truyền thống... ngay trong lòng thị xã Nghĩa Lộ.
Nghĩa Lộ - Mường Lò còn là địa danh lịch sử nổi tiếng trong cuộc chiến tranh vệ quốc và giành độc lập dân tộc ghi dấu bằng di tích thành Viềng Công của thủ lĩnh Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng; Căng và Đồn Nghĩa Lộ của thực dân Pháp; chiến thắng Nghĩa Lộ năm 1952 mở cửa tiến vào chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy...
Tuy nhiên, để biến những lợi thế đặc thù này thành hiện thực của một vùng du lịch hấp dẫn còn phụ thuộc vào sự quyết tâm đầu tư khoa học mang tính chiến lược từ các cấp, ngành chức năng cũng như sự vận động ngay trong bản thân mỗi chủ nhân văn hóa vùng Mường Lò.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Đến với vùng đất Cần Thơ “gạo trắng nước trong”, điều khiến du khách nhớ mãi không chỉ là những dòng kênh nhỏ núp bóng dừa xanh mà còn là hương vị của những chiếc bánh cống vàng ươm - đặc sản dân dã của vùng sông nước nơi đây.
YBĐT - Bánh chim gâu - một trong những món ăn được coi là đặc sản ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Sáng 11/4 (tức 9-3 âm lịch), tại ngã ba sông Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Lễ hội bơi chải truyền thống thành phố Việt Trì năm 2011 (còn có tên gọi là lễ hội bơi chải Bạch Hạc) đã diễn ra sôi động.
Một ngày trước quốc giỗ, hàng vạn người đổ về đất Tổ. Dự kiến trong 2 ngày (11 và 12/4) có khoảng 3 triệu lượt du khách đến với lễ hội.